Sơn Tùng M-TP bị tố đạo nhạc: Đừng nên quy chụp, ác ý!
Đừng nên quy chụp, suy đoán
- Những ngày qua, dư luận đang ồn ào về nghi án đạo nhạc trong ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" của ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP. Trước đó, trong làng nhạc Việt đã từng có rất nhiều ca khúc hit được giới trẻ yêu thích và lan truyền rộng rãi và cũng lướng vướng nghi vấn đạo nhạc. Ví dụ như ca khúc "Dành cho em" của Hoàng Tôn bị cho rằng sử dụng lại phần beat của ca khúc "Only One Love" của ca sĩ The One (Hàn Quốc), ngoài ra còn “copy-paste” hoàn toàn phần giai điệu của đoạn nhạc đầu. Hay "Butterfly" của rapper Mr. T và Trang Pháp bị cho là cóp y nguyên phần beat của bài "Flower" của ca sĩ Junhyung (nhóm nhạc B2ST). Mới đây, ca khúc "Tương tư" do của nhóm FB Boiz từng đoạt giải Bài hát của tháng tại Gala Bài Hát Việt tháng 9/20114 cũng bị tố sử dụng beat nhạc ngoại...
Khi những nghi vấn này được đặt ra, dư luận lập tức vội vã lên án trong khi người bị tố hoặc im lặng, hoặc thừa nhận có sử dụng một phần nhưng có sự sáng tạo riêng. Theo ông, để xảy ra những câu chuyện đáng tiếc này, là do đâu?
- Trong âm nhạc, nhiều khi mình nghe quen 1 ca khúc mà mình cảm thấy yêu thích, thì trong khi sáng tác cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi giai điệu, cũng bị trộn vào là chuyện bình thường. Nghe lời bài hát dễ thương, mình nghe bị nhập tâm vào, thì lúc viết ra cũng sẽ tương tự, nhưng cái đó là cách cảm nhận riêng của mỗi người. Đừng nên vội vã phán đoán, người này thế này, người kia thế khác, trong trường hợp này vì như vậy là không tốt.
Chỉ khi họ viết 1 chuỗi bài này giống bài kia, bài kia giống bài nọ thì lúc đó mới quy chụp lại thành họ đạo nhạc được. Tức nếu trong bài chỉ có 1, 2 câu thì cũng không thành vấn đề, không nên để thành những suy đoán ác ý. Hiện nay, cũng có nhiều bài trùng lặp nhau nhiều, nhưng mỗi người sẽ có một suy nghĩ riêng, nhưng nhiều khi cảm nhận của họ thích bài nào quá, thì tất yếu trong tiềm thức cũng đã tồn tại giai điệu đó, nên khi viết 1 bài nhạc, thì những câu nhạc sẽ trở ra, giống 1 vài câu, 1 nét nhạc nào.
Như vậy thì không nói là đạo nhạc được, mà nó nằm trong việc cảm nhận, theo suy nghĩ của tôi, vẫn chấp nhận được, đừng nên phán xét vội vã quá, vì tất cả đều có chừng mực.
Theo tôi, chúng ta có thể học hỏi và kế thừa, tất nhiên là ngay từ ban đầu có thể ta chưa quen, biết là giống bài kia nhưng không biết sửa sao cho được, vì chưa đủ khả năng, đủ hiểu biết để sửa lại, chủ yếu là gặp khó khăn về câu. Nếu là người có kinh nghiệm thì sẽ có thể sửa lại câu nhạc theo ý mình, không giống câu nhạc trước. Nhưng trong câu chuyện này, tôi thấy dù có chuyện gì cũng đừng có suy đoán, đừng có vội kết luật hãy tìm hiểu sâu xa hơn rồi đưa ra nhận định.
Scandal Sơn Tùng M-TP bị tố đạo nhạc vẫn đang gây bão trong dư luận.
- Xét về tâm lý học sáng tạo nghệ thuật (tác giả người Nga L. X Vưgôtxki) thì việc ảnh hưởng từ kiến thức họ đã đọc, đã học, đã nghe là rất bình thường, từ đó mới tác động đến sáng tạo làm đa dạng hóa cảm xúc. Điều này không chỉ diễn ra trong lĩnh vực âm nhạc, văn học hay hội họa cũng đã chứng minh rất rõ. Ông nghĩ gì về quan điểm này?
- Chúng ta bị ảnh hưởng là bởi vì ta yêu, yêu nét vẻ đó, dòng nhạc đó, thấy câu nhạc hay, nét vẽ đẹp, pha màu bức họa đó đẹp, hợp âm câu nhạc dễ thương, nếu cảm nhận được thì cũng muốn nhạc của mình cũng đẹp đẽ như vậy, câu nhạc hay như vậy, thì là điều quá đỗi bình thường. Chẳng qua, chỉ là nhiều khi các tác giả chưa biết cách nới ra, 100% lấy lại nên nó của người ta chứ không phải của mình, nên nếu biết cách pha màu, vẽ lại theo gu của mình thì sẽ là của mình.
Tôi cho rằng, có thể bắt chước của người ta, nhưng bắt chước phải nghệ thuật, thì sẽ được hiểu là học hỏi, học hỏi khác mà bắt chước lại khác, hai cái này hoàn toàn khác nhau. Học hỏi là để tìm hiểu, biết mà phát triển nó ra, nhiều khi đã bắt chước thì không thể nào thay đổi được, nên cần đi theo tinh thần là học hỏi cái hay, cái đẹp của người khác.
Hãy viết nhạc bằng trái tim
-Nhạc trẻ Việt Nam hiện nay chú trọng phần lời nhiều, còn phần nhạc thường na ná nhau, tất nhiên cũng có sự khác biệt nhưng không lớn lắm. Vậy phải nhìn nhận tình trạng này thế nào cho khách quan, thưa ông?
- Cứ nói là phần lời được chú trọng nhiều, nhưng thực ra tôi thấy cũng chưa được chú trọng mấy đâu, tất nhiên là dựa trên so sánh với các nhạc sỹ ngày xưa. Ngày xưa các nhạc sỹ viết lời thường là dựa trên những bài thơ, giọng văn rất nhẹ nhàng, dễ thương. Nhưng cái khó của nhạc Việt là tùy từng nhạc, vì câu của chúng ta có dấu, muốn để lời vào câu nhạc thì phải làm sao cho đúng dấu là quan trọng nhất, dấu nhạc đưa lên làm sao cho đẹp câu nhạc, cho nên nhạc sỹ Việt viết nhạc rất khó.
Còn những lời thơ, ngay từ nhịp điệu đã có nhạc trong đó, cho nên nó dễ viết nhạc hơn. Còn viết nhạc bây giờ thì văn nói nhiều hơn văn thơ, các thể loại nhạc Hàn Quốc, nhạc nước ngoài được đưa vào biến tấu khá nhiều. Tất nhiên sự phát triển phải đi theo những tạp âm đó, bởi vì đương nhiên khi học sáng tác, có nhiều người muốn đi theo đường tắt, muốn dựa vào khuôn khổ những bài hát đã có, viết dựa theo bài đó, thành ra nó không phải cái mình suy nghĩ mà dựa theo cái đã có sẵn.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
- Không thể phủ nhận nỗ lực của các ca sĩ, nhạc sĩ khi cố gắng tiếp cận với giới trẻ và hiện nay nhạc trẻ cũng đã hơn cái thời của các ca khúc "không đau vì quá đau". Phải chăng chúng ta nên có cái nhìn rộng hơn, khách quan và cởi mởi hơn thay vì vội vã quy chụp rằng các ca sĩ/nhạc sĩ đạo nhạc vô đạo đức như hiện nay?
- Đương nhiên cũng có nhiều trường hợp đạo nhạc không thể nào chấp nhận được, nhưng cũng có nhiều trường hợp nên khuyến khích họ. Chúng ta phê bình nhưng nên phê bình để có cái tốt, chứ không phải phê bình để đả phá, phê bình để họ lấy cái đó biết cách mà sửa lại, có nghĩa là trên tinh thần xây dựng. Chứ không phải phê bình để đập phá, dẫu sao họ cũng bỏ công làm một tác phẩm, cũng có đưa năng lực vào để có những sáng tác.
- Là người đi trước và dành nhiều tâm huyết cho âm nhạc Việt Nam, ông có lời khuyên gì đối với những bạn trẻ dính vào các nghi vấn đạo nhạc cho đến nay vẫn chưa có lời giải như trên?
- Tôi chỉ muốn góp ý nhỏ cho các bạn trẻ, là đừng vội vã viết để cho có, để bằng người này, bằng người khác. Người sáng tác nhạc phải tận dụng cảm hứng của mình đang đi tới, từ đó viết ra những nốt nhạc, viết từ cái đầu, viết từ trái tim. Đồng tình có thể nghe, có thể học hỏi nhưng hãy phát triển nó thành cái của mình bằng trí óc và sự sáng tạo của riêng mình.
Âm nhạc là nghệ thuật, nghệ thuật từ trong tim toát ra, viết ra thì phải biết thổn thức, người nghe họ mới cảm nhận, thổn thức được. Hãy viết nhạc bằng trái tim của mình!
Xin cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ!