Phong cách độc lạ của đại học số 1 Qatar, bí quyết nằm ở sự tự chủ
Qatar không chỉ nổi tiếng giàu lên nhờ dầu mà còn có nền giáo dục thuộc hàng top trên thế giới, trong đó QU là trường đại học công lập đầu tiên và duy nhất của quốc gia Trung Đông có dân số 2,9 triệu người này.
Đại học Qatar là trường hàng đầu ở khu vực
Được thành lập vào năm 1973 với chỉ 150 sinh viên (93 nữ, 57 nam), nằm ở rìa phía Bắc của thủ đô Doha, QU là một trong những trường đại học hàng đầu ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
QU có 10 trường cao đẳng trực thuộc gồm: Nghệ thuật và Khoa học; Kinh doanh và Kinh tế; Giáo dục; Kỹ thuật; Luật; Khoa học sức khỏe; Dược; Y khoa; Nha khoa; Nghiên cứu Hồi giáo.
Đây là một trong những trường có khuôn viên ấn tượng nhất thế giới
Đại học Qatar được bình chọn là một trong những trường đại học có khuôn viên đẹp nhất trên thế giới, sở hữu sự tổng hòa của nét kiến trúc văn hóa Hồi giáo cổ đại cùng những đường nét hiện đại, tạo nên một khung cảnh ấn tượng.
Kiến trúc có sự hòa trộn cổ điển và hiện đại
Giai đoạn 2003-2007, dự án "Cải cách đại học Qatar" đã được tiến hành để đánh giá và tái cấu trúc việc quản lý trường.
Cuộc "cách mạng" này được khởi xướng bởi Hoàng tử kế vị lúc đó là Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, hiệu trưởng Sheikha Al Misnad, và Văn phòng Kế hoạch và nghiên cứu thể chế (OIPD).
Theo đó, QU tập trung vào 3 nguyên tắc: Tự chủ, phân cấp và trách nhiệm giải trình. Đây được gọi là một cuộc cách mạng giáo dục của QU bởi trước đây, trường hoạt động như một cơ quan thuộc chính phủ. Giờ đây, QU trở thành một cơ sở giáo dục tự chủ, được điều hành bởi hội đồng trường với nhiệm vụ báo cáo cho Tiểu vương Al Thani.
Sự thay đổi này cho phép QU tự quản lý tài chính, đề ra các mục tiêu, tầm nhìn riêng và bố trí nhân sự cho các trường cao đẳng thành viên.
QU được kỳ vọng trở thành cơ sở trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Qatar
QU cung cấp nhiều chương trình học với 50 chương trình cử nhân, 47 chương trình thạc sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu của đất nước. Tổ hợp nghiên cứu hiện đại và 18 trung tâm nghiên cứu của QU đã tiến hành hơn 500 dự án hợp tác tại hơn 130 quốc gia.
QU được kỳ vọng trở thành cơ sở trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Qatar. QU luôn thu hút lượng lớn sinh viên trong và ngoài nước bởi chất lượng cũng như mức học phí "siêu hỗ trợ". Các chương trình cử nhân có mức học phí 3.000 USD/năm học (khoảng 74 triệu đồng) trong khi thạc sĩ là 7.000 USD (khoảng 173 triệu đồng). Mức này được cho là khá thấp so với thu nhập của người dân xứ sở "siêu giàu" này.
QU có hơn 30.000 cựu sinh viên, hơn 20.000 sinh viên và gần 1.000 giảng viên.
Các sinh viên theo học tại QU được tạo điều kiện nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường và công nghệ để giải quyết những vấn đề mà quốc gia này gặp phải.
Năm nay, QU lần thứ 2 liên tiếp đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng các trường đại học khu vực Ả Rập (xếp sau ĐH King Abdulaziz của Saudi Arabia).QU hiện đứng thứ 224 trên toàn cầu dựa trên xếp hạng của Quacquarelli Symonds (QS), tăng 21 bậc so với năm ngoái. Trường đang dần tiến bước vào danh sách 200 đại học hàng đầu thế giới. |
Bảo Huy
Thư viện ở 'Havard châu Á' 6h vẫn sáng đèn, sinh viên học xuyên đêm
Thư viện ở trường Đại học số 1 châu Á vào lúc 6h sáng vẫn sáng đèn, sinh viên "dùi mài kinh sử" bất kể ngày đêm.
Giáo sư Mỹ: Trường đại học cần phụng sự người dân và sinh viên
Là Giám đốc của Trường Quản lý và Chính sách công tại ĐH quốc tế Florida, tôi quyết định loại bỏ những gánh nặng mà các sinh viên tiềm năng đang phải đối mặt - GS.TS Terry Buss chia sẻ.
Tags: Qatar Đại học Qatar giáo dục đại học tự chủ đại học