Philippines: Một năm nhìn lại sau siêu bão Haiyan
Hàng nghìn ngôi nhà tại thành phố Tacloban đã bị phá hủy sau khi siêu bão Haiyan quét qua
Tại ngôi làng ven biển Anibong, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề sau siêu bão Haiyan, số lượng những ngôi nhà ổ chuột đang gia tăng, xung quanh đó là những chiếc tàu chở hàng han gỉ, bị sóng đánh dạt vào bờ kể từ khi cơn bão mạnh nhất trong lịch sử quét qua đây. Một ngôi nhà được dựng sát ngay bên một cột mốc bê tông với dòng chữ “khu vực không xây dựng”.
Những người dân làng ở đây nói rằng họ phải xây dựng lại nhà cửa dọc theo bãi biển bất chấp việc những cơn bão sẽ tiếp tục xảy ra vì không còn nơi nào để đi.
Người dân dựng lều ngay tại “khu vực không xây dựng”
Ngày 8/11/2013, cơn bão Haiyan, hay người dân địa phương gọi là Yolanda, đổ bộ vào Philippines với sức gió lên tới 235km/h, đã biến mọi công trình mà nó đi qua thành đống đổ nát. Không chỉ có vậy, cơn bão đã khiến 6.300 người thiệt mạng, hơn 1.000 người mất tích và gần 4.1 triệu người bị mất nhà cửa. Nhà cửa, trường học, các tòa nhà chính phủ cũng bị san phẳng, cầu cống, đường xá, đất nông nghiệp thì bị phá hủy. Ước tính thiệt hại do Haiyan gây ra gần 89.6 triệu peso (tương đương gần 2 tỷ USD).
Trong khi cơ quan chức năng, những tổ chức viện trợ và người dân cho biết, tính tới thời điểm này, cuộc sống của họ đã được cải thiện nhiều, song để khôi phục lại hoàn toàn thì là điều chưa thể thực hiện được trong bối cảnh quốc gia này có nguy cơ phải đối mặt với những thảm họa thiên nhiên tương tự trong tương lai.
Những người còn sống sót bên ngoài ngôi nhà của họ tại Tacloban
Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội Philippines, Dinky Soliman đã mô tả nỗ lực tái thiết này là “sự phi thường”. Với sự hỗ trợ của các tổ chức và các nhà hảo tâm ở nước ngoài, chính phủ Philippines sẽ phải tái định cư cho 200.000 hộ gia đình tại những nơi ở mới trong vòng 2 hoặc 3 năm tới. Trong khi đó hiện rất nhiều hộ gia đỉnh phải sinh sống trong những ngôi lều tạm bợ.
Ông Pacalan, 59 tuổi, một nông dân trồng dừa, người đã gắn bó 20 năm tại ngôi làng Cancaiyas cùng với các thế hệ con cháu. Tuy nhiên cơn bão Haiyan đi qua đã phá hủy 80% diện tích dừa của gia đình ông, giờ đây họ lại bắt tay vào trồng cây lúa, mặc dù cho ít lợi nhuận hơn nhưng ông không còn cách nào khác. Ông Pacalan cho biết, ông vừa bán vụ thu hoạch đầu tiên, thu nhập chỉ bằng một nửa so với ngày xưa nhưng giờ ông không còn sự lựa chọn nào khác, ông cần tiền để thanh toán những khoản nợ nần trước khi cơn bão Haiyan ập tới.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục trồng lúa, nó là nguồn sống duy nhất của gia đình vào lúc này”.
Một ngôi mộ tập thể bên ngoài nhà thờ ở Palo, tỉnh Leyte, miền trung Philippines
Còn tại thành phố Tacloban - nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất, mọi dịch vụ như điện nước, điện thoại di động đã được nối lại. Thị trưởng thành phố Alfred Romualdez cho biết, thành phố đã được khôi phục một nửa so với trước đây. Hơn 50% doanh nghiệp trong vùng đã hoạt động trở lại, hầu hết các dịch vụ xã hội đã được khôi phục và hạ tầng cơ sở trong thành phố cũng được xây dựng lại. Trong ngày 8/11, thành phố Tacloban cũng tổ chức buổi lễ tưởng niệm cho các nạn nhân bị thiệt mạng trong cơn bão, những người đã được chôn trong một ngôi mộ tập thế.
Pacita de la Cruz, người có con và cháu hiện vẫn đang mất tích sau khi siêu bão Haiyan quét qua đã không thể cầm được nước mắt khi nhắc tới những người thân của mình: “Có lẽ con gái và cháu gái tôi đã ở trong ngôi mộ chôn tập thể này. Đó có lẽ là điều tốt nhất để chúng có thể được an nghỉ và chúng tôi lại tiếp tục với cuộc sống này".
Là quốc gia phải hứng chịu nhiều thiên tai, vào ngày 29/10 vừa qua, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã thông qua kế hoạch phục hồi toàn diện cho những khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão Haiyan với chi phí lên tới 168 triệu peso, tập trung vào nỗ lực dài hạn và bền vững để giảm lỗ hổng và tăng cường khả năng ứng phó trong cộng đồng với những cơn bão trong tương lai.