Phá thai tuổi vị thành niên chiếm 20% tổng số ca phá thai
Báo động phá thai, sinh con tuổi vị thành niên
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Đối thoại chính sách và pháp luật về sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên và thanh niên diễn ra ngày 24/9 tại Hà Nội.
Theo đó, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam (nhóm từ 15-19) là 46/1.000, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác ở Châu Á. Như tại Myanma tỷ lệ này 17,4, Malaysia với tỷ lệ 12 và Singapore với tỷ lệ là 5,2. Đáng nói, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên đặc biệt cao ở nhóm dân số có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, các nhóm dân tộc thiểu số, nhóm dân cư khu vực nông thôn.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do tình trạng tảo hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân vẫn xảy ra. Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, khoảng 2% nam thanh niên và 8,5% nữ thanh niên trong độ tuổi từ 15-19 từng kết hôn. Kết quả Điều tra quốc gia vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần 2 năm 2009 cũng cho thấy 17% số thanh niên đã lập gia đình. Khoảng 44% thanh niên và vị thành niên trong độ tuổi 14 - 25 chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Trong khi đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cho nhóm tuổi này chưa được phổ biến rộng rãi. Nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng cao nhất trong lứa tuổi vị thành niên và đặc biệt cao (50,4%) trong nhóm phụ nữ chưa lập gia đình nhưng có sinh hoạt tình dục. Có đến 1/3 số thanh niên và vị thành niên được phỏng vấn trong điều tra của SAVY2 cho rằng tiếp cận với các dịch vụ SKSS/TD không dễ dàng, vì thế, tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở nhóm đối tượng này vẫn xảy ra. Ước tính, tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm 20% tổng số ca phá thai ở Việt Nam.
Tại hội thảo, chị Hoài Xuân, Phụ trách về mảng thanh niên công nhân của thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh phản ánh những thực trạng còn tồn tại với vấn đề chăm sóc SKSS/TD của nhóm đối tượng này. Theo đó, các phòng khám dành cho các thanh niên công nhân tại các khu công nghiệp còn rất hạn chế. Trong khi đó, tại đây, nhan nhản các phòng khám Trung Quốc sẵn sàng phục vụ công nhân, kể cả ngoài giờ làm việc 23h đêm. Vì thế, các bạn công nhân đến khám nhưng họ lại không được cung cấp dịch vụ như mong muốn.
“Khi vào khám, họ luôn được miễn phí khám nhưng sau đó phí dịch vụ kèm theo luôn đắt đỏ, cộng với việc bác sĩ “đe dọa” là bệnh nặng, thậm chí ảnh hưởng đến cả khả năng sinh sản sau này, vô sinh nên nhiều thanh niên công nhân vì quá lo lắng, chấp nhận vay nóng để lấy tiền chi phí khám bệnh”, Hồng Xuân nói. Ngoài ra, Hồng Xuân cũng lo lắng về thực trạng các bà mẹ đơn thân tại các khu công nghiệp.
Một đại biểu khác dẫn chứng, bạn đã gặp ít nhất 2 trường hợp là thanh niên làm công nhân tại các khu công nghiệp, một bạn phải nộp số tiền 8,5 triệu đồng cho phòng khám Trung Quốc mà không khỏi bệnh. Một bạn thì viêm nhiễm phụ khoa nặng vì không đi khám vì ngại, vì nghe mọi người nói đến phòng khám phải cởi bỏ quần áo trong khi chưa lấy chồng; rồi nghe đồn con gái chưa chồng khi khám sẽ dùng que chọc vào vùng kín nên không dám đi khám. Cả hai bệnh nhân này khi được nhóm thanh niên đưa đến BV Từ Dũ Khám, bác sĩ nói viêm phụ khoa rất nặng, điều trị lâu dài.
Về vấn đề này, ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ, bản thân ông cũng đã được đến nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, hiện tượng như phản ánh là rất phổ biến. Khu Tân Tạo, khu Sóng Thần, địa điểm giữa Bình Dương, Đồng Nai… là những điểm rất nóng về sức khỏe sinh sản. “Rất đau lòng khi có những bài thai được phát hiện vứt ngay trong nhà vệ sinh, trong thùng rác. Rất nhiều thanh niên công nhân làm mẹ đơn thân do chưa được tiếp cận, hiểu biết về SKSS/TD”, ông Phương nói.
Bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em chia sẻ, vấn đề mà đại biểu Hồng Xuân chỉ ra cũng chính là nỗi niềm của bà, và ngay tại Hà Nội cũng có hiện tượng này. “Ngoài làm quản lý, tôi còn là bác sĩ lâm sàng. Khi tiếp nhận sổ y bạ từ bệnh nhân đến khám ở những phòng khám sản đó bản thân tôi cũng rất bức xúc. Tôi cũng đang nhờ những người bạn gửi các bằng chứng tại các phòng khám này để có cơ sở xử lý”, bà Hồng nói.
Bà Hồng cũng đề nghị đại diện nhóm đoàn thanh niên cần gửi công văn Sở Y tế, đồng thời gửi Bộ Y tế phản ánh về tình trạng này. “Tôi hứa, khi nhận được công văn của bạn, đó là một cơ sở đề nghị Sở Y tế lập các đoàn thanh tra tại các thành phố có tình trạng các phòng khám sản như vậy. Vì vấn đề này, ngoài trách nhiệm của liên ngành, nhiệm vụ chính là sở y tế, các địa phương có các cơ sở này”, bà Hồng khẳng định.
Nhiều hệ lụy
Theo bà Hồng, thanh thiếu niên vẫn còn thiếu thông tin và kỹ năng sống liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Điều này khiến đối tượng này dễ bị tổn thương đối với những hành vi có nguy cơ cao và những ảnh hưởng không tốt về sức khỏe như mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, bị lạm dụng tình dục và bạo lực giới.
Tỷ lệ phá thai, sinh con ở lứa tuổi vị thành niên tại Việt Nam rất cao. Trong khi đó, sinh con ở tuổi vị thành niên có nhiều rủi ro có thể xảy ra, như nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân, thai lưu và chết sơ sinh cao hơn. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này cũng có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bà mẹ trên 20 tuổi. Các bà mẹ vị thành niên có nguy cơ thiếu máu cao gấp 3 lần so với các nhóm máu khác. So với các bà mẹ sinh con khi ngoài 20 tuổi, nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm tuổi 15-19 cao gấp 2 lần và cao gấp 4 lần đối với nhóm các em gái sinh con dưới tuổi 15.
Chỉ có 88% số phụ nữ mang thai dưới 20 tuổi được khám thai ít nhất một lần trong khi số lần khám thai của các nhóm phụ nữ khác ở lứa tuổi cao hơn là 94%. Khi sinh, khoảng 86% vị thành niên nhận được sự hỗ trợ từ người đỡ đẻ có kỹ năng, so với 93% ở các nhóm phụ nữ tuổi cao hơn.
“Vì thế, việc cung cấp kiến thức SKSS/TD phải thực hiện ngay khi các em còn ở trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó cần xây dựng nhiều hơn nữa các phòng khám thân thiện cho lứa tuổi này. Hiện tại 38 tỉnh thành có 98 góc thân thiện vi thành niên, 152 câu lạc bộ vị thành niên”, bà Hồng cho biết.
Tú Anh