Nữ sinh ung thư và gánh nặng nuôi hai người điên

Công việc thường ngày của nữ sinh bị ung thư vú

Mẹ và dì là hai người thân duy nhất của Thanh hiện nay. Cả hai thường lên cơn, khi cô gái không có ở nhà thì họ bỏ đi lang thang khắp nơi. Vừa tìm được mẹ về thì người dì lại biến mất, có những hôm Thanh phải đạp xe cả ngày mới tìm được hai người. Đến nhà, mất gần nửa giờ Thanh mới đút xong bữa trưa cho mẹ, những giọt mồ hôi thấm đẫm trên khuôn mặt cô nữ sinh 16 tuổi.

Cô thiếu nữ chia sẻ chưa một lần được nhìn thấy mặt bố, chỉ biết ông từng là công nhân cầu đường người tỉnh khác đến làm việc ở đây rồi sống như vợ chồng với mẹ em. Hết công trình, người đàn ông cũng rời đi, bỏ rơi hai mẹ con. Mẹ Thanh là bà Phan Thị Nay (49 tuổi) bị bệnh động kinh từ năm 15 tuổi, có những lúc đang đi thì bỗng lăn ra đường ngất xỉu. Bệnh tình của bà càng nặng hơn khi bị phụ bạc.

Ông bà ngoại mất sớm, cả hai người dì khỏe mạnh đi lấy chồng, mẹ con Thanh không còn nơi nương tựa đành phải vạ vật sống qua ngày. Nhiều khi hai mẹ con phải dìu nhau vào Đà Nẵng để xin ăn. Cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn khi dì út của Thanh là bà Phan Thị Bòng (37 tuổi) cũng mắc bệnh tương tự.  

Thương cháu nhỏ và hai người em bệnh tật, người chị cả của mẹ Thanh là bà Phan Thị Hạnh (53 tuổi) phải chạy vạy khắp nơi lo ăn, giúp Thanh được đến trường. Hoàn cảnh của bà Hạnh cũng chẳng khấm khá hơn, cuộc sống chỉ dựa vào mấy sào ruộng nên cũng chẳng giúp được gì nhiều. Ba mảnh đời trong một ngôi nhà thì có đến hai người bị bệnh tâm thần, mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai nhỏ nhắn của Thanh.

Những lúc mẹ và dì bệnh nặng, đập phá đồ đạc trong nhà, một mình Thanh không đủ sức để can ngăn, chỉ biết ôm mặt khóc. "Mẹ không còn nhận ra em, lúc đó em chỉ ước mình cũng có một người bố để san sẻ, là chỗ dựa vững chắc cho gia đình như bao bạn bè đồng trang lứa khác", Thanh quay mặt đi giấu những giọt nước mắt đang chực trào trên khóe mi.

Nhà không có ruộng, số tiền trợ cấp 270.000 đồng mỗi tháng của người mẹ không đủ để chi trả cho cuộc sống. Hàng xóm thương tình cho bao gạo, ít tiền mua thức ăn, áo quần, có khi là gói mì, lương khô giúp mẹ con Thanh sống qua ngày. Để có tiền trang trải học tập và thuốc men cho mẹ, những lúc nghỉ học Thanh phải bươn chải đủ nghề, từ rửa chén giúp việc đến mò cua, bắt ốc…

Bằng sự bao bọc của láng giềng, cuộc sống chật vật của ba con người cứ lặng lẽ trôi qua trong ngôi nhà dột nát. Vất vả là vậy nhưng suốt 10 năm học liền, Thanh đều là học sinh giỏi của trường. Nhưng số phận vẫn không chịu buông tha cho họ, năm học lớp 9 gần kết thúc thì Thanh phát hiện bị ung thư vú.

"Em bị đau từ năm học lớp 7, cứ nghĩ là bệnh của tuổi dậy thì. Đến khi không còn chịu đựng được nữa, em đi bệnh viện khám, các bác sĩ phát hiện khối u đã quá lớn phải phẫu thuật gấp", Thanh nhớ lại. Cô bé quyết định không mổ bởi không thể lo liệu khoản viện phí. Chính các giáo viên của trường THPT Thừa Lưu và các tiểu thương ở chợ đã quyên góp rồi động viên Thanh đi chữa trị. Qua hai lần phẫu thuật ở Bệnh viện Trung ương Huế, khối u ác tính với đường kính 10 cm được cắt bỏ nhưng sức khỏe của Thanh cũng giảm sút theo.

"Cứ 6 tháng em lại phải bắt xe đò hơn 50 km để lên Huế tái khám, không biết có thể cầm cự được bao lâu nữa", Thanh ngậm ngùi.

Mỗi lúc mẹ và dì đi ngủ, tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi yên tĩnh trong nhà, Thanh học bài. "Mỗi năm em được nhận 3 triệu đồng học bổng từ trường, số tiền đó phần nhiều em dành để thuốc thang cho mẹ và dì rồi trang trải cuộc sống, phần còn lại em dành lên thành phố khám bệnh cho mình", Thanh tâm sự.

Thanh cho biết, trong tất cả các môn học thì ngoại ngữ là môn em yêu thích nhất. Có thể sau này em sẽ thi vào trường đại học ngoại ngữ gần nhà để tiện chăm lo cho mẹ. "Em chỉ ước học thật nhanh và ra trường kiếm được việc làm ổn định để có thể chăm sóc cho mẹ và dì tốt hơn", Thanh chia sẻ.

Cô Phạm Thị Thu Trang, giáo viên Anh văn trường THPT Thừa Lưu, cho biết gia cảnh éo le, bản thân lại bị bệnh nhưng Thanh rất chăm chỉ. Năm nào, Thanh cũng đứng nhóm đầu của lớp về thành tích học tập. "Thanh là cô học trò đầy nghị lực, hoàn cảnh em như vậy nên các giáo viên ai cũng thương. Các buổi học thêm, bồi dưỡng học sinh, thầy cô không những không lấy học phí mà thi thoảng còn góp chút tiền nhằm hỗ trợ một phần để giúp em vượt qua nghịch cảnh", cô Trang nói.

                                                                                        Bài và ảnh: Tiến Hùng   



Powered By WizardRSS.com | Full Text RSS Feed | Amazon Wordpress | rfid blocking wallet sleeves
Cập nhật tin tức đời sống!

Tags: Vui Cười nữ nâng sinh thú người điển gánh nuôi

Tin đọc nhiều nhất