Những ngày chăm con bệnh nặng của thiếu tá nhà giàn DK1
Hôm sau, anh chị đưa con lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) làm các loại xét nghiệm, nhưng không tìm ra nguyên nhân. Trên xe khách về Hải Dương, Tùng lên cơn co giật 3 lần. Ngày tiếp theo, sức khỏe em tốt hơn, nửa đêm còn dậy làm bài tập toán để mai đi học. Chưa kịp vui mừng, chị Hiên lại lo lắng, thường một bài toán Tùng chỉ làm mất 5 phút thì nay loay hoay cả tiếng, còn nhầm lẫn kết quả. Anh chị bảo nhau, ngày mai phải đưa con đi khám lại.
Bố mẹ vừa nói dứt câu thì Tùng co dúm toàn thân, giật liên hồi. Cậu bé được đưa thẳng đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Tùng bị viêm não chưa xác định rõ nguyên nhân. Bốn tuần trôi qua, vợ chồng anh Hướng đã dùng những thuốc tốt nhất cho con nhưng cậu bé vẫn mê sảng, sốt li bì và dần lịm đi. Em được chuyển sang khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi trung ương, và đang ở tuần điều trị thứ hai tại đây.
"Tùng truyền hết 22 lọ thuốc, mỗi lọ trị giá 5,5 triệu đồng, mà không biết con có khá lên", chị Hiên xót xa nhìn con. Tính đến giờ, chi phí điều trị cho bé Tùng rất lớn so với mức thu nhập của người vợ giáo viên, chồng bộ đội. Gia đình, đồng đội sẵn sàng giúp đỡ vợ chồng anh Hướng qua cơn hoạn nạn.
Đúng thời điểm này 18 năm trước, chiến sĩ trẻ Phạm Văn Hướng được nghỉ phép về quê. Khi đó, cô giáo Ngô Thị Hiên đang dạy trường cấp 1 cạnh nhà anh. Qua bạn bè, hai người gặp gỡ và cảm mến nhau. Trong 20 ngày nghỉ phép, một đám cưới chóng vánh diễn ra. Lấy nhau được vài ngày thì anh phải lên đường tiếp tục nhiệm vụ, để lại bao hụt hẫng, tủi thân cho người vợ trẻ.
Mỗi năm anh Hướng về thăm vợ một lần. Tận 3 năm sau ngày cưới anh chị mới có đứa con đầu tiên. Đến năm 2005, anh chị có thêm một bé nữa. Cả hai lần chị Hiên vượt cạn đều không có chồng ở bên. Lúc anh về thì hai cu con đã biết đi, biết bập bẹ gọi bố...
"Bao nhiêu nỗi tủi phận không có chồng ở cạnh tan biến hết khi tôi được ra thăm anh, hiểu được cuộc sống của người lính", chị nói. Đó là năm 2004, chị Hiên được ra đảo thăm chồng. Gần một tháng ở đây, chị thấy đồng đội của anh phải ở trong những căn nhà chật chội, cuộc sống vất vả. Những người vợ lính đảo, người đi làm may, người bán cháo sáng, chạy chợ. Chị Hiên thấy mình vẫn may mắn hơn khi có công việc ổn định, có ngôi nhà mái bằng rộng rãi.
Ra đảo, chị biết vào mùa khô chồng chỉ được dùng 3 ca nước một ngày, phải ngồi vào chậu lau người rồi lấy nước đó tưới rau. Ra đó, chị mới biết ngày vài lần, anh phải bám dây thừng leo lên nhà giàn. Mùa đông đất liền lạnh giá thì ngoài đó biển động và các anh sống cùng sự rung lắc, không có lấy một tích tắc yên bình.
"Lần ra thăm anh, hai vợ chồng thuê một căn nhà cấp 4, phải ngủ dưới đất, sinh hoạt trong điều kiện túng thiếu và tôi thấy những thiệt thòi của mình thật nhỏ bé. Sau chuyến đi đó, tôi hiểu chồng, yêu chồng và cảm nhận đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất của vợ chồng tôi", chị Hiên tâm sự. Chuyến đi được kết tinh bằng sự ra đời người con thứ hai, bé Phạm Quang Tùng.
Anh Hướng mang chất lính, hiền lành và kiệm lời. Anh bộc bạch, những chiến sĩ ngoài giàn DK1 như anh chịu nhiều thiệt thòi, nhất là về mặt tình cảm, nhưng vẫn phải khắc phục.
"Bố tôi phát hiện bệnh ung thư trước lúc mất 3 tháng. Tôi không thể sắp xếp về kịp nhìn mặt ông lần cuối. Lúc tôi về đến nhà là tròn 100 ngày ông mất", thiếu tá Phạm Văn Hướng kể. Bố anh Hướng là một đại tá quân đội, và là người định hướng tư tưởng cho anh.
Lần này, con đột ngột ốm, anh Hướng vừa hết đợt nghỉ phép phải xin nghỉ tiếp đợt nữa ở lại chăm con. "Mong sao con khỏe lại, nếu không tôi không yên lòng dứt bỏ ra đi, khi ngoài kia nhiệm vụ đang gọi mình", người chiến sĩ có 21 năm làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1 trải lòng.
Phan Dương