Nguy hiểm khi dùng An Cung Ngưu Hoàng hoàn không đúng cách
"Chưa biết An Cung Ngưu Hoàng hoàn tác dụng đến đâu, nhưng nó rõ ràng là thuốc, với các thành phần cần thận trọng khi sử dụng. Vì vậy khi dùng phải đúng liều lượng, chỉ định nghiêm ngặt, nếu không hậu quả sẽ khó lường", bác sĩ Phạm Duệ nói. Đây là trường hợp rất hiếm hoi bác sĩ trực tiếp phát hiện bệnh nhân có thể nguy hiểm tính mạng vì dùng An Cung Ngưu.
Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, khoa hồi sức tích cực từng tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân nam 74 tuổi ở Hà Nội có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bị đột quỵ, liên quan tới sử dụng An Cung Ngưu.
Người nhà cho biết đã mua mấy hộp An Cung Ngưu Hoàng hoàn về cho bệnh nhân sử dụng để ngừa tai biến, nâng cao sức khỏe. Sau nửa tháng uống thuốc, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê. Khi nhập viện, người bệnh đã chảy máu mũi, miệng, chân răng, giãn đồng tử, phải mở khí quản để thở. Xét nghiệm cho thấy ông bị rối loạn đông máu. Chưa thể kết luận tình trạng bệnh nhân có phải do uống An Cung Ngưu hay không, tuy nhiên sau khi khảo sát tiền sử bệnh lý, các bác sĩ yêu cầu người nhà ngừng cho bệnh nhân uống thuốc An Cung Ngưu và vài ngày sau tình trạng người bệnh đã được cải thiện.
Tiến sĩ Phạm Đình Đài, Phó Khoa Đột quỵ Bệnh viện 103 (Hà Nội) cho biết, An Cung Ngưu Hoàng hoàn là một loại thuốc Đông y được truyền bá có khả năng phòng ngừa và điều trị tai biến mạch máu não, đột quỵ. Hầu như bệnh nhân nào vào khoa cũng cho biết từng được người nhà cho uống thuốc này trước khi đưa đi cấp cứu ở bệnh viện.
"Theo quy định của Bộ Y tế, chỉ có bác sĩ đông y mới được phép chỉ định cho bệnh nhân dùng hay không dùng thuốc này, dựa vào tình trạng bệnh cụ thể của họ. Nhưng vì lời đồn thuốc hiệu quả nên nhiều gia đình tự ý trữ thuốc sẵn sàng cho người thân dùng", bác sĩ Đài nói. Ông cho hay, việc nhiều gia đình tự ý mua và cho người nhà bị tai biến uống An Cung Ngưu Hoàng hoàn là rất nguy hiểm. Khi đó, họ thường có ý đợi chờ tác dụng của thuốc mà vô ý làm lỡ cơ hội "giờ vàng" điều trị tích cực để có cơ hội cứu chữa cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) đồng thời là Tổng Thư ký hội phòng chống tai biến mạch máu não, chung quan điểm An Cung Ngưu khiến nhiều người ỷ lại vào thuốc, coi nhẹ cấp cứu. “Khi sử dụng An Cung Ngưu, vì tin tưởng vào hiệu quả của thuốc nên người nhà thường chờ đợi thuốc có tác dụng thay vì đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu, bỏ qua thời điểm vàng điều trị đột quỵ là trong 3 giờ đầu tiên từ khi khởi phát triệu chứng", bác sĩ Thắng phân tích. Việc cấp cứu chậm trễ dễ dẫn đến những di chứng nặng nề và có thể nguy hiểm tính mạng.
Theo bác sĩ Thắng, hiện An Cung Ngưu Hoàng hoàn không được các tổ chức thầy thuốc chuyên ngành đột quỵ của các nước trên thế giới khuyến cáo sử dụng trong điều trị và phòng ngừa bệnh lý đột quỵ, kể cả Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước sản xuất thuốc này. Trên nguyên tắc y học chứng cứ, các loại thuốc khi sử dụng cho bệnh nhân phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt, để chắc chắn sản phẩm đảm bảo được hiệu quả chữa bệnh và an toàn cho người bệnh.
Theo bác sĩ Thắng, bệnh nhân đột quỵ thường bị rối loạn chức năng nuốt, đặc biệt một số trường hợp đột quỵ nặng bệnh nhân có tri giác lơ mơ hoặc hôn mê… Do vậy, khi cho uống (nước hoặc thuốc) rất dễ làm bệnh nhân sặc và gây ra tình trạng viêm phổi do hít sặc, thường có hậu quả rất nặng nề và có thể dẫn đến tử vong.
Các bác sĩ Đông y cũng khuyến cáo cần cẩn trọng khi sử dụng An Cung Ngưu Hoàng hoàn, vì nguồn gốc xuất xứ và chất lượng thuốc rất phức tạp. Tiến sĩ Lê Lương Đống, Phó giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, An Cung Ngưu Hoàng hoàn là một bài thuốc cổ phương kinh điển. Tuy nhiên gần chục năm nay ông không dám dùng bài thuốc này hay giới thiệu cho ai nữa vì "không còn niềm tin vào An Cung Ngưu".
Phó giáo sư Đống chia sẻ, năm 2005, trong vai trò Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế, ông đến thăm Bắc Kinh Đồng nhân đường - cơ sở chính thống bào chế thuốc An Cung Ngưu Hoàng hoàn tại Trung Quốc. Khi ấy nơi đây có hai loại An Cung Ngưu, một loại được bán với giá 350 nhân dân tệ, trong khi loại kia chỉ 100 tệ một viên. Chủ cơ sở bào chế cho biết: Loại thuốc đắt tiền dùng ngưu hoàng tự nhiên (sỏi trong mật bò) trong thành phần chính của thuốc, còn loại rẻ hơn dùng ngưu hoàng nhân tạo.
“Thuốc cần chữ tín, không thể có loại tốt và loại ‘gần tốt bằng’. Tôi nghe những điều trên đã thấy gợn gợn, không còn niềm tin hoàn toàn vào bài thuốc quý đó nữa”, phó giáo sư Lê Lương Đống chia sẻ.
Ông cho biết, thời điểm đó Cục quản lý dược Việt Nam đã cho nhập An Cung Ngưu hoàng hoàn từ Trung Quốc về, giá thành khi ấy khoảng 450.000 đồng một viên, thị trường bán khoảng 750.000-800.000 đồng một viên. Ngày nay, một số nơi bán cả An Cung Ngưu nội địa hoặc giá rất cao, nhiều nguồn gốc trong khi không có căn cứ về chất lượng.
Ông cho rằng, thuốc y học cổ truyền có rất nhiều ưu điểm: Đã được thử nghiệm hàng nghìn đời; Nguồn từ tự nhiên nên có thể dùng lâu dài mà không sợ tích lũy gây hại cho sức khỏe; Có tác dụng toàn thân, chữa bệnh tận gốc. Tuy nhiên bất cứ loại thuốc nào - kể cả đông y lẫn tây y, ví dụ như loại vẫn được coi là thông dụng nhất như paracetamol - cũng có thể gây hại cho sức khỏe nếu dùng không đúng.
Để người dân dùng thuốc an toàn, hiệu quả, theo ông Đống, cần có những đơn vị đủ tư cách pháp nhân xuất nhập khẩu thuốc để đảm bảo chất lượng nguồn thuốc; Củng cố hệ thống kiểm nghiệm thuốc mạnh hơn; Xây dựng đội ngũ dược sĩ y học cổ truyền... Ngoài ra, người bệnh cần đến những cơ sở điều trị có uy tín để được tư vấn, giúp đỡ.
Nhóm phóng viên