"Hội chứng" mặc một lần rồi vứt xó lây lan trong giới trẻ
Gác điện thoại Linh bực dọc ra mặt, nó quay sang tôi và trút giận không đâu:
- Shop này làm ăn vớ vẩn thật, chỉ quanh quanh thành phố mà có cái váy cũng không chuyển đúng hẹn, nó bảo bị nhầm địa chỉ gì đó, chị thấy có bức xúc không?
Tôi lấy làm lạ, dù có chán những chiếc váy đang nằm dài trong tủ thì con bé cũng có nhiều phương án khác mà:
- Chị thấy cô làm quá lên đấy, bao nhiêu váy kia, mặc đi, mặc một lần xong bỏ cả đống thế? Mình có phải ngôi sao gì đâu mà chỉ mặc một lần không đụng hàng lần hai?
Linh gào lên như phát điên:
- Trời ơi, mấy cái đó mặc một lần nhưng cái nào cũng chụp cả trăm bức ảnh, up facebook hết rồi, bây giờ mặc nữa, chụp nữa thì còn mặt mũi nào? Em không phải ngôi sao nhưng cảm giác mặc đi mặc lại một thứ nó khó chịu lắm. Mà đồ em mua có đắt lắm đâu, dăm trăm, một triệu cái váy, có gì mà phải đụng?
- Có nhiều cách không đụng mà, lấy cái váy kia mặc cùng áo khoác khác, hoặc quàng khăn hờ trên cổ, đeo vòng đeo túi khác đi, trông cũng đẹp mà chẳng ai nhận ra đồ cũ. Như thế có phải hơn không?
Con bé vẫn nhất quyết không chịu, nó cho rằng cảm giác của bản thân mới là quan trọng. Không có đồ mới, nó không tự tin, không thể vui chơi hết mình ở buổi tiệc. Thoả mãn bản thân là số 1!
Những chiếc váy áo có sức hút "mãnh liệt" với phái nữ (ảnh minh hoạ)
Chuyện của Linh, cô em họ mà tôi kể không phải cá biệt, tôi ngày càng thấy nhiều hơn các cô gái giống Linh. Những cô gái trẻ đã đành, nhiều phụ nữ trưởng thành cũng mắc “chung bệnh” thoả mãn bản thân. Họ có thể đủ điều kiện để không đụng hàng chính mình mỗi lần đi tiệc, đi chơi, nhưng trào lưu tiêu dùng, ăn vận đó là sự lãng phí và phù phiếm dễ lây lan. Nhiều người không đủ khả năng vẫn phải cho bằng thiên hạ.
Nhật Anh, đồng nghiệp của tôi cũng dần mắc bệnh “thoả mãn” bản thân lúc nào không hay. Tuần trước, công ty tổ chức tiệc kỷ niệm 7 năm thành lập, vì là năm lẻ nên không có ý định làm lớn, chỉ đi ăn trưa một bữa nhẹ nhàng, đâu ngờ, giám đốc đột ngột nổi hứng mở tiệc nhà hàng hạng sang, mời cả các đối tác bên ngoài tới nhằm thêm mục đích đối ngoại. 2 giờ chiều mới nhận được thông báo, còn phải làm việc cho tới 5 giờ mới nghỉ, Nhật Anh cuống cuồng đi mua đồ chuẩn bị tiệc tùng. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Bà đi mua gì nữa, 7 giờ 30 khai tiệc rồi, mà tuần nào bà cũng mua váy mới, thiếu gì phải đi chọn mất công?
Nhật Anh thẽ thọt trả lời:
- Trời ạ, tiệc ngoài dự kiến, mấy đồ tôi mua có dự định cả rồi. Cái đầm màu cam là để sinh nhật em chồng mặc, đầm ren đen ngày kia có tiệc với hội bạn học, cái váy quây nhũ bạc thì sang tuần đi đám cưới em họ…. chẳng còn gì mặc cả. Tôi chạy ngay ra trung tâm thương mại, mua tạm cái váy, tranh thủ xem có đôi giày màu nude nào không, đôi ở nhà bong lớp lót rồi. Thôi đi luôn đây, còn phải gội đầu, make up nữa. Đi nhá!...
Vẫn biết chẳng bao giờ là đủ với phụ nữ, nhưng hơn cả là có một tủ đồ thông minh! Mua sắm là sở thích, là thói quen, là "cơn nghiện" của nhiều phụ nữ (ảnh minh hoạ)
Vẫn biết chẳng bao giờ là đủ với phụ nữ, nhưng tôi luôn tự tin rằng mình có một tủ đồ thông minh, đủ để xoay vòng linh hoạt mà không bị động mỗi lúc cần. Một tháng tôi sẽ rà soát lại đồ, cần bổ sung thêm xu hướng gì đó, hoặc mua vài thứ yêu thích. Nhưng sẽ chắc chắn những món đồ “đinh” để ứng biến bất kỳ.
Sơ mi trắng bằng sa tanh này, chân váy đen dáng xoè, đầm đen không tay, váy bodycon màu tàn, áo blazer đen và trắng, giày nude, sandal ánh kim, giày đen hở mũi… Không thể quên ví cầm tay bao thư màu đen và ánh kim bạc là dễ cầm nhất rồi.
Khả năng tài chính để chiều lòng bản thân là điều nhiều người không phải lo nghĩ, dẫu thế, phong cách riêng lại được xây dựng từ việc bạn tinh ý với xu hướng, linh hoạt với từng món đồ, để đẹp mọi lúc, mọi nới, đẹp mà không mất quá nhiều thời gian, tiên bạc. Nếu cứ chạy theo cuộc mua sắm bất tận bạn vô tình bị lệ thuộc, bạn thành con nghiện… Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi! Thời trang cũng như vậy, thay vì mải miết mua đồ, hãy soi lại phong cách của mình và tìm ra nét riêng để khoe với đời.