Hành trình đến địa ngục IS của các thiếu nữ Pháp
Ông Severine Ali Mehenni cầm trên tay ảnh con gái Sahra trong trang phục Hồi giáo. Con gái ông là một trong hơn 100 cô gái trẻ lên đường sang Syria theo lời kêu gọi của Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, hiện nay con số này đã lên đến hàng trăm. Các cô gái đến Syria từ nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có khoảng 20 đến 50 người Anh. Phần lớn là các cô gái đến từ Pháp, quốc gia có lịch sử mâu thuẫn lâu đời với cộng đồng Hồi giáo.
Theo lời một quan chức an ninh giấu tên, các cô gái trẻ, những thế hệ nhập cư thứ nhất và thứ hai đến quốc gia Hồi giáo Syria, thuộc đầy đủ các tầng lớp trong xã hội. Từ các cô gái da trắng người Pháp cho đến các cô gái người Do Thái.
Các luật sư, cơ quan an ninh và gia đình các cô gái trẻ cho biết những chuyến khởi hành đến Syria không đơn thuần chỉ là ý thích bất chợt của lứa tuổi thanh thiếu niên, mà còn là sự sàng lọc và tính toán hàng tháng trời của các trang mạng Hồi giáo nhắm vào giới trẻ.
Hầu hết các trang này đều đăng tuyển các cô gái đến Syria để làm vợ, chăm sóc trẻ và giúp việc cho các binh lính thánh chiến Hồi giáo. Mục đích chính của họ là nhằm đa dạng hóa nguồn gốc của Nhà nước Hồi giáo.
Hành trình rời khỏi Pháp
Gia đình Ali Mehenni thuộc tầng lớp trung lưu, sống trong một ngôi nhà lợp ngói đỏ tại Lezignan-Corbieres, một thị trấn nhỏ nằm ở phía Nam nước Pháp. Sahra, cô con gái tròn 18 tuổi vào hôm thứ Bảy tuần này được mô tả là rất yêu thương em trai. Mâu thuẫn phát sinh khi cô thực hiện theo các yêu cầu của các thánh chiến Hồi giáo: phải đeo mạng che mặt, bỏ học trong 6 tháng và giam mình trong phòng với một cái máy tính.
Vào sáng ngày 11/3, Sahra tình cờ tiết lộ cho ông bố biết cô mang nhiều khăn trùm đầu đến trường để dạy cho bạn bè cách dùng. Bố cô, ông Kamel kìm nén sự lo lắng và chở cô đến sân ga như thường lệ. Buổi chiều ông lại đến đón con gái trở về.
Buổi trưa, cô gọi điện cho mẹ thông báo mình đang dùng bữa với bạn bè. Tuy nhiên, trên đoạn video của camera giám sát cho thấy vào thời điểm đó, cô đang ở sân bay của thành phố Marseille và làm các thủ tục để tới thành phố Istanbul. Tại sân bay, cô gọi điện đến một số điện thoại Thổ Nhĩ Kỳ.
Buổi tối, khi không thấy con gái trở về, bố mẹ cô đã lo lắng thông báo cho cảnh sát.
“Mọi việc đã được tính toán. Họ đã chuẩn bị mọi thứ để con bé có thể lên kế hoạch cho những chi tiết tỉ mỉ nhất. Tôi chưa bao giờ nghe đến Syria, thánh chiến Hồi giáo. Giống như là bầu trời sập xuống đầu chúng tôi vậy”. Bà Severine nói.
Ngày rời khỏi Pháp để đến Syria, Sahra sải bước dọc theo sân ga với hai chiếc túi cồng kềnh đeo chéo qua vai. Trên camera an ninh, hình ảnh cô gái trẻ người Pháp xuất hiện với chiếc khăn trùm đầu đặc trưng Hồi giáo.
Bố mẹ Sahra lo lắng khi biết con gái đã sang Syria.
Chỉ hai tháng trước đó, cô gái tuổi teen Nora cũng bắt đầu cuộc hành trình tương tự trong trang phục y hệt Sahra. Lúc ở Pháp, Nora rời khỏi nhà mỗi ngày với quần jeans, áo thun bình thường. Nhưng ngay sau đó, cô thay đổi trang phục Hồi giáo.
Nora là con gái thứ ba trong một gia đình nhập cư người Ma-rốc có sáu người con. Cả gia đình hiện đang sinh sống tại thành phố du lịch Avignon của Pháp. Bố mẹ cô thuộc đạo Hồi nhưng không phải là những tín đồ cuồng tín.
Khi rời khỏi Pháp đến Syria vào ngày 23/1, Nora vừa chỉ 15 tuổi. Một ngày sau khi cô đi, anh trai của cô, Foad, mới phát hiện ra em gái đeo mạng che mặt ở trường, sở hữu một số điện thoại và tài khoản Facebook thứ hai để liên lạc với các “nhà tuyển mộ”.
“Ngay khi tôi nhìn thấy tài khoản Facebook thứ hai của em gái, tôi biết nó đã đến Syria” Foad nói.
Đầu tiên, Nora lên tàu cao tốc đến thủ đô Paris. Sau đó, cô bay đến thành phố Istanbul và tiếp tục di chuyển đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Một hãng lữ hành Pháp đặt vé cho chuyến đi của cô gái trẻ mà không buồn kiểm tra các thông tin của khách hàng.
Anh trai của Nora trình bày về trường hợp bị dụ dỗ sang Syria của em gái.
Theo tài liệu của cảnh sát, một phụ nữ đã trả toàn bộ chi phí và thu xếp cho Nora ngủ qua đêm ở Paris. Bà ta còn hứa đi cùng cô đến Syria nhưng sau đó chỉ có một mình cô gái trẻ tiếp tục hành trình.
Cả hai cô gái đều chưa bao giờ đi du lịch. Tuy nhiên, cả hai cuộc hành trình đến Syria của họ đều được tính toán sắp xếp kỹ lưỡng đến từng chi tiết, từ việc mua vé máy bay từ Merseille (Pháp) tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 11/3 của Sahra cho tới tài khoản facebook bí mật và địa điểm nghỉ qua đêm tại Paris của Nora.
Gia đình Nora hầu như không biết gì nhiều về hành trình rời khỏi Pháp lặng lẽ của con gái mình nhưng họ biết rõ trang mạng dụ dỗ con họ tới Syria.
Nguyên nhân cho hành động tham gia phiến quân Hồi giáo được cho là các video tuyên truyền quay cảnh những người phụ nữ che kín mặt bắn súng và trẻ em của Syria chết trên chiến trường của Nhà nước Hồi giáo đã khiến các cô gái tuổi teen mơ tưởng và bị dụ dỗ.
Ngoài ra, có thể là do sự phẫn nộ trong cộng đồng người Hồi giáo xuất phát từ các video tiếng Pháp liên tục lặp đi lặp lại quy định cấm dùng khăn trùm đầu và mạng che mặt của chính phủ.
Đến Syria
Gia đình có nói chuyện được với Sahra ba lần sau khi cô đến Syria. Đầu tiên, Sahra gọi điện chớp nhoáng với em trai cho biết cô đã kết hôn với một người đàn ông Tunisia 25 tuổi mới gặp. Sau đó, gia đình có liên lạc qua điện thoại thêm hai lần nữa với cô và một số lần ít ỏi chat qua Facebook. Tuy nhiên, bố mẹ cô không thể biết được liệu có chính xác con gái họ đang gửi những dòng tin nhắn qua Facebook hay không.
Mẹ của cô, bà Severine, cho rằng các cuộc nói chuyện đều nằm trong kịch bản của các thánh chiến Hồi giáo.
“Chúng bị giam giữ trái với ý muốn. Chúng bị ép buộc phải nói những điều đó”. Người mẹ gốc Âu giãi bày.
Sahra cho biết tại Syria, cô làm những công việc y như ở nhà – làm việc nhà, chăm sóc trẻ con. Cô nói cô sẽ không quay trở lại Pháp và mong muốn mẹ cô chấp nhận sự lựa chọn, tôn giáo và chồng của cô.
Anh trai của Nora, Foad, cho biết điểm đến cuối cùng của em gái là một “lữ đoàn người nước ngoài” dành cho Nusra Front, một nhánh của al-Qaida tại Syria. Ở đây, cô bị ép phải kết hôn nhưng Nora đã cự tuyệt. Nhờ sự can thiệp của một tiểu vương Ả rập, cô gái trẻ thoát khỏi cuộc hôn nhân không mong muốn.
Hiện tại, công việc hàng ngày của cô là chăm sóc con cái của các chiến binh Hồi giáo.
Nora từng bảy tỏ mong muốn được về nhà và Foad đã tới Syria để đón em gái. Tuy nhiên, họ vấp phải sự ngăn cản của phiến quân Hồi giáo.
“Khi họ lập kế hoạch để bẫy một cô gái, họ sẽ làm tất cả để giữ cô ấy lại. Các cô gái không phải ra chiến trường, chỉ để kết hôn và chăm sóc trẻ em. Một cỗ máy sinh sản”. Foad cho biết.
Phản ứng của chính phủ Pháp
Các gia đình gần như phát điên vì mất con cho rằng các cô gái trẻ này bị bắt cóc, tuy nhiên chính phủ Pháp cho biết sẽ ra một đạo luật xử các cô gái bỏ đến Syria theo tội danh phần tử khủng bố.
Hồ sơ điều tra sự mất tích của cô gái trẻ Nora.
Theo lời một quan chức của Pháp, hiện hai người liên quan đến việc dụ dỗ Nora đã bị bắt. Những trang mạng dụ dỗ các cô gái trẻ đã bị đánh sập. Trong quá trình truy quét, các nhà điều tra đã phát hiện thêm một trường hợp 13 tuổi đang chuẩn bị lên đường đến Syria.
“Các cô gái trẻ không phải lên đường một cách ngẫu hứng. Họ đã được hướng dẫn. Cô gái trẻ bị điều khiển từ xa. Và giờ đây cô thực hiện cuộc hành trình đến địa ngục”. Luật sư Guy Guenoun cho biết.