Hai trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm Quinvaxem
Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại quận Tân Bình vào trung tuần tháng 10, cháu bé 2 tuổi sau khi tiêm Quinvaxem và theo dõi 30 phút tại trạm y tế không có dấu hiệu bất thường được gia đình đưa về nhà. Tuy nhiên, gần 4 giờ sau tiêm cháu đã phải nhập viện cấp cứu vì co gồng, tím tái.
BS Nguyễn Trí Dũng cho biết, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế đã họp, phân tích hai trường hợp trên. Hội đồng chuyên môn kết luận, đây là hai trường hợp bị sốc phản vệ sau tiêm Quinvaxem. Quy định sau tiêm chủng bệnh nhân phải được theo dõi 30 phút tại cơ sở y tế, song qua hai trường hợp trên cho thấy tình trạng sốc phản vệ ở trẻ xảy muộn bởi những biểu hiện khởi phát của tình trạng sốc xảy ra khi trẻ đã về nhà 3 - 4 giờ.
Để hạn chế những rủi ro có thể gặp trong thời gian tới, BS Nguyễn Trí Dũng yêu cầu các đơn vị tổ chức tiêm chủng phải tư vẫn kỹ về an toàn tiêm chủng cho người nhà bệnh nhi, nhấn mạnh các biểu hiện bất thường có thể gặp ở trẻ; đề nghị gia đình theo dõi sát tình trạng sức khỏe của trẻ trong vòng 24 giờ sau tiêm; các cơ sở tiêm chủng phải công bố số điện thoại để thân nhân bệnh nhi liên hệ hỏi ý kiến tư vấn chuyên môn khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường.
BS Trí Dũng khuyến cáo, các biểu hiện khởi phát thường gặp của sốc phản vệ ở trẻ gồm khóc thét, co gồng, tím tái… nếu thấy trẻ gặp tình trạng trên phụ huynh cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Liên quan đến vấn đề tiêm chủng, Trung tâm Y tế Dự phòng, cho biết từ tháng 10/2014, đợt 1 của chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella được triển khai trên toàn thành phố cho trẻ từ 10 đến 14 tuổi tại các trường Trung học Cơ sở. Tính đến hết ngày 31/10 đã có 150.013 trẻ được tiêm với tỷ lệ 83.8% học sinh tại các trường đã được thực hiện. Đến nay, thành phố chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.
Vân Sơn