Hà Nội: Ổ dịch 'siêu lây nhiễm' phường Thanh Xuân Trung vượt 500 ca nhiễm

Từ ngày 23/8 đến trưa 7/9, ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã vượt mốc 500 ca nhiễm. Đây là chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, được đánh giá phức tạp nhất Thủ đô hiện nay.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội trưa 7/9 ghi nhận thêm 20 ca dương tính SARS-CoV-2 thuộc chùm ca bệnh phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Tính từ ngày 23/8 khi phát hiện 2 ca bệnh đầu tiên, ổ dịch phức tạp nhất Hà Nội đã chạm mốc 508 ca.

Các ca bệnh mới hoặc là F1 tại khu phong tỏa, hoặc đã được chuyển đến các khu cách ly tập trung.

Theo CDC Hà Nội, 2 ca chỉ điểm đầu tiên là 2 mẹ con sống tại ngõ 330 Nguyễn Trãi. Chiều 22/8, họ đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh test nhanh kháng nguyên dương tính SARS-CoV-2, sau đó được lấy mẫu xét nghiệm PCR kết quả khẳng định dương tính.

Từ đó, hàng trăm bệnh nhân khác lần lượt được phát hiện thông qua phong tỏa, sàng lọc và xét nghiệm diện rộng, chủ yếu tập trung tại ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, liên quan đến các chợ, siêu thị, khu tập thể trên địa bàn.

Chính quyền địa phương đã quyết định cách ly y tế 2 ngõ này trong vòng 7 ngày từ 14h chiều 23/8 với gần 700 hộ dân và khoảng 1.800 nhân khẩu, tập trung xét nghiệm để bóc tách F0, đưa các F1 đi cách ly tập trung.

Quận Thanh Xuân đã khảo sát và lập hàng rào cứng ngăn chặn các ngách nhỏ trong 2 ngõ này và lập 13 chốt kiểm soát (có lực lượng công an, dân quân tự vệ...) để tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn lắp thêm 10 camera an ninh để giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của người dân.

Quận cũng đã đưa khoảng 1/3 số dân trong khu vực (khoảng 600 người) đi cách ly tập trung đợt 1. Tuy nhiên, những ngày sau, diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, mức độ lây lan nhanh, đặc biệt khu vực đông dân cư, có nhiều nhà tập thể cũ được xây dựng từ những năm 60-70, người dân vẫn sử dụng chung nhà vệ sinh. Do đó, quận đã ban hành phương án di dời người dân đến vùng an toàn.

Hà Nội: Ổ dịch 'siêu lây nhiễm' phường Thanh Xuân Trung vượt 500 ca nhiễm

Người dân tại ổ dịch phường Thanh Xuân Trung được di dời đến khu cách ly tập trung,đảm bảo điều kiện sống an toàn (Ảnh: Đinh Huy)

Từ tối 1/9 đến hết ngày 3/9, quận Thanh Xuân đã di dời gần 1.200 người dân đi cách ly tại Khu ký túc xá Trường Đại học FPT và Khu ký túc xá Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hiện nay, 112 người còn ở lại trong vùng lõi của ổ dịch cũng đang được cách ly và áp dụng các biện pháp y tế theo quy định. Họ phần lớn là người già yếu, bệnh nền, phụ nữ mang thai có bệnh và những người ở lại để chăm sóc người đặc biệt yếu. Khi ở lại, tất cả đều có đơn cam đoan thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà và được đội ngũ y tế vào khám để xác định mức độ bệnh lý.

Ông Võ Đăng Dũng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, sau khi di dời lượng lớn người dân, hai ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi thông thoáng hơn, thu hẹp phạm vi phong tỏa, khả năng lây nhiễm sẽ giảm đi. Quận đã tiến hành các biện pháp khử khuẩn, y tế để đảm bảo sau khi dịch ổn định sẽ đưa người dân trở lại nơi cư trú.

Đồng thời tăng cường hoạt động ứng trực của các chốt phòng dịch xung quanh khu vực và duy trì lực lượng chức năng bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn về tài sản cho người dân.

Đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến trưa 7/9, Hà Nội ghi nhận tổng 3.614 ca Covid-19, trong đó 1.569 ca ngoài cộng đồng và 2.045 người đã được cách ly.

Từ ngày 6/9 đến 12/9, thành phố xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên địa bàn, thần tốc, quét nhiều vòng để giúp bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước thu hẹp các "vùng đỏ", "vùng vàng" và mở rộng "vùng xanh".

Trước đó, từ ngày 6/9, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội lần thứ 4 với phương châm siết chặt hơn, quyết liệt hơn, phương án giãn cách phòng, chống dịch theo ba vùng ở 3 cấp độ khác nhau. Vùng 1 ("vùng đỏ") có nguy cơ rất cao phải tiếp tục thực hiện giãn cách triệt để theo Chỉ thị 16, nhiệm vụ trọng tâm là hạn chế lượng người ra đường tránh lây lan dịch bệnh. Hai vùng còn lại áp dụng Chỉ thị 15 hoặc cao hơn.