“Bát nháo” công tác khám, chăm sóc tại bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá
Chị P, quê ở huyện Hậu Lộc cho biết, khoảng 20h ngày 21/7, chị bị sốt cao khi đang mang thai ở tuần thứ 33, được người nhà đưa vào bệnh viện Phụ Sản Thanh Hóa.
Tại khoa cấp cứu, sau hơn một tiếng đồng hồ chờ đợi, chị mới được các nhân viên y tế ở đây đưa đi siêu âm và làm các xét nghiệm khác. Đến 22h30, cùng ngày mới làm xong được các thủ tục để nhập viện.
Trong khi làm xét nghiệm cũng như siêu âm, người nhà chị P phải đóng đầy đủ các khoản tiền phí. Khi khám xong, làm thủ tục nhập viện, một nhân viên tại khoa Cấp cứu của bệnh viện Phụ sản yêu cầu người nhà chị P phải đóng tiền “tạm ứng” trước với số tiền là 2 triệu đồng rồi mới được làm bệnh án để nhập viện.
Lúc này vì nhà xa, lại không mang đủ số tiền nên người nhà chị P đã nói với nhân viên tại quầy thu tiền cũng như các nhân viên y tế tại đây là sáng ngay mai sẽ nộp đầy đủ số tiền theo đúng quy định.
Tuy nhiên, nhân viện tại phòng trực cấp cứu nhất quyết không làm bệnh án để chị P được nhập viện. Sau đó, người nhà chị P phải đi mượn số tiền 200 nghìn để đóng tiền “tạm ứng”, phía bệnh viện mới cho chị vào nhập viện.
Chị P cho biết: “Lúc đó, tôi đang bị sốt cao, sau khi phải đi lại nhiều lần để làm các thủ tục xét nghiệm thì các nhân viên y tá nói không đóng tiền tạm ứng trước thì không được nhập viện. Chúng tôi đã giải thích vì nhà xa, hơn nữa trời cũng đã khuya về nhà không kịp, hẹn sáng ngày mai sẽ đóng tiền đầy đủ theo quy định, nhưng họ nhất quyết bắt đóng tiền bằng được rồi mới làm bệnh án để nhập viện”.
“Sáng ra, các bác sĩ tiến hành khám lại, rồi cấp thuốc cho các điều dưỡng đi tiêm. Các điều dưỡng ở đây có thái độ phục vụ bệnh nhân rất “ẩu”, họ tiêm nhanh để cho xong nhiệm vụ. Bệnh nhân bị vỡ ven nói lại thì họ lấy lí do là thành mạch bệnh nhân mỏng. Tuy nhiên, một phòng có đến 10 bệnh nhân chẳng nhẽ đến 5 bệnh nhân bị vỡ ven đều do thành mạch mỏng?”, chị P bức xúc.
Bà N.T.V điều trị ở khoa Phụ Nội cũng bức xúc: “Tôi vào điều trị vết thương sau mổ. Lúc đầu vào họ còn khám, chứ mấy ngày sau không thấy khám mà chỉ phát thuốc để tiêm không. Phiếu chăm sóc bệnh nhân không ghi hàng ngày mà các y tá cứ tập hợp một tuần mới ghi một lần. Khi tôi đọc thì thấy ghi bệnh nhân không còn ra máu trong vòng một tuần liền, nhưng thực tế ngày nào tôi vẫn còn ra máu tại vết mổ.
Không biết họ khám thế nào mà lại phán bừa như vậy. Các chỉ số huyết áp, tim mạch cũng ghi đầy đủ như vậy, cứ điều trị như thế này thì bao giờ chúng tôi mới khỏi được bệnh”.
Trao đổi về những vấn đề trên, ông Võ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Phụ Sản Thanh Hóa cho biết: “Bênh nhân đến cấp cứu thì bệnh viện phải thực hiện cấp cứu chứ không phải thu phí. Sau khi cấp cứu xong, bệnh nhân phải làm các thủ tục có liên quan để nhập viện, đây là quy định chung. Không có chuyện bệnh viện bắt bệnh nhân phải đóng tiền tạm ứng mới được nhập viện”.
Tuy nhiên, sau khi chúng tôi nêu trường hợp chị P phản ánh thì ông Hùng khẳng định: “Không bắt buộc phải đóng tiền tạm ứng mới được nhập viện. Nếu người nhà bệnh nhân chưa có tiền đóng luôn và đã có lí do mà nhân viên y tế của bệnh viện vẫn bắt đóng tiền rồi mới cho nhập viện là sai. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra làm rõ vấn đề này”.
Về việc có sự “tắc trách” của các nhân viên y tế tại bệnh viện trong việc thăm khám sức khỏe hàng ngày cho bệnh nhân, ông Hùng cho hay: “Việc thăm khám bệnh cho bệnh nhân được bệnh viện thực hiện thường xuyên, ngày nào cũng có người khám cho bệnh nhân. Tùy theo tình hình sức khỏe bệnh nhân mà các bác sĩ có các cách thăm khám khác nhau”.
Lý giải về việc bác sĩ không khám, y tá vẫn ghi đầy đủ vào phiếu theo dõi, ông Hùng nói: “Không có chuyện không khám bệnh mà lại ghi vào phiếu theo dõi sức khỏe được, bác sĩ có nhiều cách khám khác nhau để ghi nhận tình hình sức khỏe của bệnh nhân”.
Tuy nhiên, bà N khẳng định bác sĩ không khám, y tá cũng không khám lần nào nhưng vẫn ghi vào sổ đầy đủ. Điều này chính bác sĩ Trưởng khoa nơi bà N điều trị cũng đã nhắc nhở tá của mình nhưng lãnh đạo bệnh viện lại không được biết?.
Tràn lan các loại dịch vụ
Những bệnh nhân khi mới vào nhập viện điều trị tại bệnh viện đều phải mua một lốc giấy vệ sinh với giá 20.000đ.
Chị N.T.N, có người nhà đến điều trị tại bệnh viện Phụ Sản Thanh Hóa cho hay: “Khi em gái tôi mới vào nhập viện, họ bắt mua một lốc giấy vệ sinh với số tiền là 20.000đ. Ai nhập viện cũng phải mua và nộp tiền luôn ở khoa cấp cứu. Chúng tôi không biết mua giấy này để làm gì khi mới nhập viện. Lốc giấy này bên ngoài chỉ bán khoảng một nửa số tiền này”.
Ngoài ra, mặc dù đã có biển cấm đậu đỗ xe ô tô ngay trước tiền sảnh cửa chính ra vào các khu nhà điều trị của bệnh viện. Tuy nhiên, hằng ngày luôn có đến cả chục chiếc xe taxi đậu đỗ ngay bên biển cấm mà không có một nhân viên bảo vệ nào đứng ra can thiệp. Còn khi xe taxi qua cổng, nhân viên bảo vệ lại đứng ra thu tiền vé xe.
Một dịch vụ khác được mời chào tận giường bệnh là ăn uống. Chị P cho biết, cứ khoảng 21h mỗi ngày lại có người vào mời chào bệnh nhân mua cháo, mua cơm. Nếu bệnh nhân hoặc người nhà nào có yêu cầu mua, người bán sẽ ghi lại tên, số phòng, số điện thoại và sáng sớm ngày hôm sau sẽ có người mang vào tận nơi và nhận tiền ngay tại chỗ.
“Chúng tôi không biết chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các loại cháo mà người ta mang vào đến đâu, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người bệnh khi ăn hay không. Nhưng tôi thấy đây là sự buông lỏng quản lý của bệnh viện”.
Về vấn đề này, ông Võ Mạnh Hùng cho biết: “Lần đầu tiên tôi được nghe phản ánh lại về vấn đề này. Từ phản ánh trên, bệnh viện sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh ngay”.
Theo quy định thì mỗi tuần, mỗi tháng phía bệnh viện sẽ phát phiếu “khảo sát sự hài lòng của người bệnh điều trị nội trú” để lấy ý kiến của bệnh nhân bất kỳ, đánh giá về cung cách phụ vụ, cách điều trị… tại bệnh viện.
Tuy nhiên, khi các nhân viên y tế phát phiếu ra cho bệnh nhân đánh giá, khi bệnh nhân đánh dấu vào ô “chưa tốt”, sau khi thu phiếu lại, các bác sĩ tại khoa khi bị đánh giá chưa tốt sẽ quay trở lại từng giường bệnh, hỏi xem bệnh nhân nào (dù phiếu này không có ghi tên bệnh nhân) sau đó thể hiện thái độ không bằng lòng và “thù” bệnh nhân đó…
Thái Bá