Ám ảnh tội lỗi của người nông dân nhặt được cả thùng vàng
Sau nhiều lần hẹn khá khó khăn với sự dẫn dắt của người quen tại thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), chúng tôi mới gặp được một trong số những người may mắn nhặt được “lộc trời” mấy năm về trước.
Người đàn ông gần 60 tuổi cứ thấp thỏm như lo sợ điều gì đó khi tiếp chuyện với chúng tôi. Theo lời đồn đại của người dân thì ông là người trúng “lộc trời” nhiều nhất tại địa phương này. Kể lại câu chuyện đầy may rủi, ông Trần Văn N. cho biết, gia đình ông vốn đông con, lại chỉ làm ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Thời điểm giáp hạt, ông phải chạy từng bữa lo cho gia đình 7 miệng ăn. Vợ ông quanh năm làm thuê làm mướn nhưng cái đói cái nghèo vẫn cứ mãi đeo bám. Trong sự khốn khó ấy, ông chỉ ao ước mình trúng một “quả” nào đó để thay đổi cuộc đời. “Nhưng nhà thì nghèo, chưa một lần mua vé số sao đổi đời được! Mà làm thuê làm mướn thì biết đến đời nào mới đủ ăn,nói gì tới mộng đổi đời”, ông N. bộc bạch.
Thế nhưng, chẳng biết có phải vì Trời Phật thương ông nghèo khó nên cho được đổi đời hay không mà ông lại nhặt được cả một thùng vàng nằm trong thùng đạn đại liên được giấu rất kỹ. Ông N. kể lại, lần ấy, ông được người ta thuê lên suối Thá (xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa), cách nhà khoảng 5km để làm việc. Đến gần trưa, trong khi chờ cơm chín, ông vào bìa rừng tranh thủ chợp mắt dưới bóng cây. Trong giấc ngủ chập chờn, ông mơ thấy mình nhặt được vàng dưới một khe đá. Tỉnh dậy, ông dụi mắt tiếc hùi hụi giấc mơ đẹp. Ông đứng lên, đi được vài bước thì chân đạp phải môt vật cứng. Tò mò, ông gạt đám lá khô sang một bên. Trước mắt ông là một thùng đạn nhỏ nằm trong hốc đá. Ông N. lôi ra và mở nắp xem thì tròn mắt khi phát hiện trong đó ăm ắp vàng và nhiều đồ trang sức có giá trị.
Sau phút trấn tĩnh, ông lặng lẽ giấu lại kho báu rồi vào ăn cơm với mọi người như thường. Cũng từ lúc ấy, ông vừa mừng lại vừa lo. Trong lúc làm việc, thi thoảng ông lại để mắt tới chỗ mình cất giấu kho báu, chỉ mong thời gian làm việc kết thúc thật nhanh để đem khối tài sản đó về. Chờ đến đêm, ông mới lập cập run rẩy cho thùng đạn vào bao tải, buộc thật chặt sau yên xe rồi đạp một mạch về nhà. Về tới nhà, ông lặng lẽ kéo vợ vào trong buồng rồi nhẹ nhàng mở thùng đạn ra cho vợ chiêm ngưỡng. Nhìn thấy số vàng lớn như thế, bà Nguyễn Thị L. như chết sững. Suốt đêm hôm đó, hai vợ chồng đào một cái hố dưới chân giường ngủ để chôn số tài sản vừa nhặt được.
Ông N. vẫn luôn ám ảnh vì chuyện nhặt được vàng cách đây nhiều năm.
Đổi đời nhưng sống trong sợ hãi
Từ ngày trúng số vàng khủng, ông Trần Văn N. đã có một cuộc sống hoàn toàn khác. Ông N. kể lại: “Ngày nhặt được vàng, vợ chồng tôi đã mất ăn mất ngủ cả tháng trời vì lo sợ. Cả đời tôi chưa cầm số tiền nào lớn quá 10 triệu đồng. Đấy là số tiền tôi được mượn của hội nông dân để lấy vốn phát triển kinh tế gia đình. Cầm số tiền mới có 10 triệu đồng thôi mà tôi đã run lẩy bẩy, nói chi tới chuyện cả một hòm vàng như thế. Nhưng vấn đề khó giải quyết nhất là chuyện làm sao để hợp thức hóa được số vàng đó mà không làm mọi người bất ngờ, cũng như để kẻ xấu không tìm tới hỏi thăm!”, ông N. cười đầy bí mật.
Vợ chồng ông N. suy nghĩ mãi mà chẳng biết cách nào để làm dịu chuyện nhặt được số vàng này đi. Cuối cùng, hai vợ chồng ngày ngày đi làm thuê và mua vé số rồi tới chùa cầu may để trúng độc đắc. Bao nhiêu tờ vé số đã mua, cuối cùng hai vợ chồng tôi cũng trúng được một tờ vé giải nhất. Ngày trúng số, vợ chồng ông N. tổ chức một buổi tiệc nhỏ mời bà con tới chia vui, cũng là để thông báo rằng, nhà ông bà từ nay đã hết nghèo khổ vì đã được “lộc trời”. Hàng xóm láng giềng ai cũng mừng cho vợ chồng ông bà thoát cảnh nghèo khó. Nhưng chẳng ai biết rằng, số tiền trúng vé số kia có thấm tháp gì so với số vàng mà ông N. nhặt được trong hốc đá hôm nào.
Sau khi hợp thức hóa thành công cái sự “giàu bất ngờ”, vợ chồng ông N. đã không còn phải ngày ngày nai lưng làm thuê cuốc mướn nữa. Hai vợ chồng vốn quen chân lấm tay bùn nên mua một mảnh đất mở trang trại ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa, Phú Yên), cách nhà cũ chưa tới 10km. Thay thế căn nhà lụp xụp là một ngôi nhà khang trang, bề thế. Lâu dần, người dân nơi đây cũng lờ mờ đoán ra rằng, ông bà nhặt được vàng ở đoạn rừng đó nên tới để cảm tạ thần rừng. Bà Trần Thị L. (vợ ông N.), cũng kín đáo cho biết: “Thời gian đó cũng có nhiều lời ra tiếng vào về chuyện vợ chồng tôi nhặt được vàng. Thế nhưng, ông nhà tôi kiên quyết phải giấu chuyện này đi, dặn con cái và người thân trong nhà tuyệt đối giữ bí mật, đi đứng cũng phải cẩn thận trông chừng kẻ xấu”.
Tuy nhiên, trong lòng ông lại luôn đau đáu một nỗi niềm: “Bất ngờ giàu lên nhưng tôi lại mang nỗi ám ảnh về vàng. Bởi dù sao đó cũng là mồ hôi nước mắt của người khác đã phải ngậm đắng nuốt cay bỏ lại vì cuộc chiến tranh năm nào. Mình hưởng lộc của người khác mà không biết chia sẻ cho mọi người thì chẳng mấy lúc cũng bị Trời Phật lấy lại thôi”, “lộc bất tận hưởng” mà. Chính vì vậy, từ ngày có được “lộc trời”, vợ chồng ông N. chịu khó lên chùa lễ Phật. Ngày rằm hay mồng một hằng tháng, vợ chồng ông đều mang hương, hoa quả đi lên bìa rừng cúng bái. Không những thế, vợ chồng ông bà còn thường xuyên giúp đỡ hàng xóm láng giềng, những người có cảnh ngộ khó khăn.
Ông N. bộc bạch: “Sống ở đời cái lộc phải biết sẻ chia, nếu không ông trời lấy lại mấy hồi. Mình là người may mắn có được ít của cải đó thì cũng phải biết chia sẻ với người khác, nếu không tai họa đến sẽ khó lường lắm! Nói là nói vậy thôi chứ vợ chồng tôi vẫn sợ họa phúc tương phùng!”. Ông N. bảo, đã nghe nhiều đến chuyện vì nhặt được vàng mà gia đình tan nát, con cái gặp tai ương, vợ chồng sinh ly tử biệt nên rất sợ. Theo lời vợ ông kể, nhiều đêm ông gặp ác mộng, tỉnh dậy toát cả mồ hôi. Có đêm bà sực tỉnh, thấy ông cười nói một mình. Bà hiểu số của cải, vàng bạc ấy luôn ám ảnh ông trong mỗi giấc mơ như thế.