10 giờ mỗi ngày bên chảo lửa hấp cá
Tại đây, họ phân loại cá, cắt thành từng lát xếp ngăn nắp vào sọt tre rồi đưa vào chảo nước sôi sùng sục để hấp chín. Mặt bằng chợ cá chật hẹp, hàng chục lò hấp cá lại san sát nên khu vực này chẳng khác nào "chảo lửa khổng lồ" tỏa nhiệt nóng bỏng rát da người.
Bà Trần Thị Liễu, quê ở Tuy Phước, phải phủ khăn đeo khẩu trang kín mặt khi đứng lò hấp. Lò nóng ran, sau mỗi ngày hấp cá về nhà, cơ thể bà như bị hút hết nước, cảm thấy tức ngực, khó thở, nhiều hôm mệt mỏi không nuốt nổi cơm. Những bình nước lớn và vài cái khăn tay nhỏ bên chậu nước để lau mồ hôi sau mỗi lần vào lò không đủ giúp hạ nhiệt cho người lao động.
Sau khi cá được hấp chín trong chảo lửa hơn 100 độ C, người làm công tiếp tục gói cá vào túi nilon hay giấy báo rồi đưa đi các tỉnh Tây Nguyên để bán. Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý chợ cá Hải Cảng, TP Quy Nhơn cho hay, chợ cá hấp này hình thành từ năm 1968, đến năm 2000 thành phố nâng cấp lại. Hơn 150 người, chủ yếu là lao động nghèo, thường xuyên gắn bó với nghề hấp cá bên chảo lửa.
Trung bình mỗi ngày họ phân loại, hấp khoảng 1.000 sọt tre (tương đương khoảng 10 tấn cá). Thu nhập một lao động từ 100.000 đến 150.000 đồng mỗi ngày.
Theo anh Sơn, suốt ngày ở bên chảo lửa hấp cá nóng hừng hực, mồ hôi nhễ nhại nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ phải cố mà chịu đựng vượt qua. Mỗi ngày hai vợ chồng kiếm được khoảng 300.000 đồng. Những hôm trời biển động, bến cảng không có thủy sản thì hàng trăm lao động phổ thông ở chợ cá này xem như thất nghiệp.
Trí Tín