Trực thăng Mi-171 rơi: Lặng người trước câu nói của bé 3 tuổi
“Con chỉ uống sữa của bố Minh thôi”
Từ ngày nhận tin con trai hi sinh do máy bay trực thăng rơi trong khi luyện tập đến nay, gần như ngày nào bà Trần Thị Chung (56 tuổi) cũng khóc. Bà càng khóc nhiều hơn, khi đứa cháu nội 3 tuổi vẫn hàng ngày hồn nhiên, bi bô nhắc đến bố.
Thôn Chử Xã (xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội) mưa to như trút nước nhưng ông Chử Văn Lành, chồng bà Trần Thị Chung vẫn mặc áo mưa đưa bà đi truyền nước và lấy thuốc uống ở nhà bác sĩ trong xóm. “Cứ mỗi lần nhìn di ảnh của con, thắp hương cho con hay ai đến thăm, bà ấy lại khóc. Từ ngày Minh mất, chưa hôm nào bà ấy ăn được hết bát cơm, cứ sáng đến tối nằm bẹp trên giường. Nhà tôi sinh được 3 người con trai, Minh là con út, ngoan, hiền và vất vả nên bà ấy thương lắm”, ông Lành nghẹn ngào.
Cháu Chử Nguyên Phương bên bàn thờ của bố. Ảnh: Q.K
Thắp cho con nén hương, bà Chung nức nở: “Cách ngày mất một tuần, Minh mới về nhà thăm bố mẹ, vợ con. Hôm đó, cu Bi (tên gọi ở nhà của cháu Phương - TG) bị tai nạn gãy răng, Minh ôm con, nựng con đừng khóc, ngoan rồi bố còn mua sữa cho uống. Sau khi lên đơn vị được mấy hôm, chúng tôi nhận được tin máy bay bị tai nạn, sau đó bạn của Minh gọi về báo Minh chỉ bị thương. Ai ngờ...”.
“Nơi đặt bàn thờ của Minh chính là giường ngủ của vợ chồng tôi. Nhà điều kiện khó khăn nên cả bố mẹ, mấy đứa con trai chia nhau xây nhà ở quanh quẩn đây. Vợ chồng Minh đến giờ vẫn ở cái phòng tạm hơn chục mét vuông trong ngôi nhà nhỏ này chứ cũng không có điều kiện để ra ngoài được”, bà Chung nức nở.
Được biết, anh Chử Văn Minh sau khi đi nghĩa vụ quân sự thì được cử đi học thêm rồi về nhận nhiệm vụ ở Trung đội 3, Đại đội Đặc công, Tiểu đoàn Đặc công 18 của Quân khu Thủ đô. Trong hơn 11 năm theo quân ngũ từ 2003 đến nay, vì nhiệm vụ nên anh đi biền biệt và thời gian về nhà rất ít, chủ yếu là tranh thủ ngày nghỉ hoặc là dịp phép mới về được vài ba tuần. Cũng hiểu được đặc thù công việc, gia đình luôn động viên anh hoàn thành nhiệm vụ. Mấy năm trong quân ngũ, những tấm bằng khen, giấy khen của anh luôn khiến gia đình rất tự hào.
Bà Trần Thị Chung khóc nức khi nói về con.
Ghì cháu Phương vào lòng, bà Chung khóc nức nở: “Ngày chưa cưới vợ, theo tiêu chuẩn được cấp sữa thì có bao nhiêu là Minh mang về cho bố mẹ và các cháu. Giờ có con thì mang hết sữa về cho con chứ không bao giờ Minh để bồi dưỡng sức khỏe. Bây giờ cứ đến cữ uống sữa, cháu Phương lại đòi uống sữa của bố Minh. Cả nhà phải lừa sữa bố Minh thì cháu mới uống”.
Nhói lòng người vợ trẻ, đứa con thơ
Trung úy Chử Văn Minh hi sinh khi còn rất trẻ khiến cho cuộc sống của gia đình gần như đảo lộn. Hai tuần trôi qua, không đêm nào chị Nguyễn Thị Lan Anh (vợ anh Minh) có được giấc ngủ bình yên. Cảm giác xa chồng chị cũng đã quen từ thời còn yêu nhau, nhưng nghĩ đến việc xa chồng mãi mãi, không có chồng bên cạnh khiến chị đau đớn.
“Tôi quê tận huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Khi xuống đây học kế toán thì quen anh Minh. Chúng tôi yêu nhau được mấy năm, khi tôi ra trường thì cưới. Sau đám cưới được 4 ngày, anh lại biền biệt đi công tác xa để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi cưới nhau đến nay cũng tròn 4 năm, nhưng nhẩm tính, thời gian vợ chồng bên nhau chỉ khoảng 100 ngày. Sau ngày cưới, vợ lên làm việc ở Điện Biên, chồng ở quân đội, thỉnh thoảng gặp nhau được một vài hôm rồi lại xa nhau. Cách đây 2 năm, tôi chuyển xuống Hà Nội, nhập khẩu và sống cùng gia đình anh Minh thì thời gian gần chồng cũng nhiều hơn một chút. Mỗi lần về phép có được phần quà nào cơ quan phát theo tiêu chuẩn là anh lại mang về cho vợ con hết. Cháu Phương còn nhỏ nhưng rất ngoan. Anh Minh thương và nựng con lắm. Từ hôm bố mất, cháu cũng thay đổi hẳn tính, trầm và ít nói, không nghịch nữa. Mỗi lần uống sữa, cứ đòi sữa của bố, khi bảo sữa bố cho Bi thì cháu mới chịu uống”, chị Lan Anh nghẹn ngào. Dường như không thể chịu đựng nỗi đau quá lớn, được đôi ba câu ngắt quãng trong cuộc trò chuyện, chị Lan Anh lại phải nằm nghỉ.
Anh Chử Văn Thắng, anh trai Trung úy Minh, cho biết, từ ngày sự việc xảy ra, mẹ thì phải uống thuốc, truyền nước liên tục vì suy sụp, còn em dâu thì tối nào cũng ôm ảnh chồng và khóc. “Tôi chỉ sợ cô ấy lo lắng quá, làm quá điều gì lại khổ”, anh Thắng chia sẻ.
Bố mẹ anh Minh cho biết, cuộc sống của mẹ con chị Lan Anh bây giờ khá vất vả. Chị Lan Anh đang làm công cho Công ty nhựa Đại Kim ở tận huyện Văn Lâm, cách nhà 25km. Ngày ngày đi về, thu nhập cũng khoảng 3 triệu đồng/tháng. “Trước đây, cả lương chồng, lương vợ chỉ đủ cho con đi học, thỉnh thoảng vợ chồng tôi còn phải hỗ trợ cho vợ chồng Minh. Giờ Minh mất đi, chúng tôi cũng phải tập trung lo cho con dâu, cho cháu để con trai được yên tâm dưới suối vàng. Chỉ mong Minh phù hộ cho vợ, cho con được mạnh khỏe”, bà Chung tâm sự.
Nhớ hôm làm lễ truy điệu cho 18 chiến sĩ ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, khi linh cữu của Trung úy Chử Văn Minh được chuyển ra xe để đưa về quê, bà Chung đã ngất xỉu tại chỗ, phải nhờ người dìu ra hành lang của nhà tang lễ để nghỉ. Trên chuyến xe đưa anh Minh về quê cho đến khi an táng, bà Chung, chị Lan Anh xỉu lên, xỉu xuống.
Còn với cháu Chử Nguyên Phương, hình ảnh cháu bé nằm ngủ trên tay của người thân trong Lễ truy điệu, nhìn ánh mắt thơ ngây, trong trẻo của cháu bên những tiếng khóc thương của mẹ, của ông bà và người thân, khiến ai cũng thấy nhói lòng.