Tháng ngày cô đơn của vợ phi công rơi máy bay Ô Kha

Năm ấy chuyến bay dân sự Yak 40 số hiệu VN 474 chở 31 hành khách và phi hành đoàn đã bị luồng nhiễu động khí hút rơi ở thung lũng Ô Kha. Hôn phu của Annette và phi công Lưu Công Lương chồng chị Thủy, cùng mọi người đều tử nạn, trừ cô gái người Hà Lan Annette may mắn sống sót. Nhà chức trách cử lực lượng tìm kiếm Yak 40. Trong nỗ lực cứu hộ, chiếc trực thăng Mi-08 do chồng chị Lan là phi công Nguyễn Quang Vinh lái chở theo 7 người không may cũng rơi ở Ô Kha. Thời điểm ấy chị Lan đang mang bầu con đầu lòng 5 tháng, còn chị Thủy vừa sinh con trong bệnh viện.   

Hàng chục năm qua, mỗi lần nghe ai nhắc đến địa danh "Thung lũng ma Ô Kha" là những ký ức đau thương lại ùa về với những người vợ của các cơ trưởng gặp nạn. Chị Lan đã ở vậy một mình nuôi con đến nay, luôn nhớ về chuỗi ngày dài chờ đợi tin chồng trong mùa đông giá rét năm ấy. Lực lượng cứu hộ tìm kiếm trực thăng Mi-08 khi ấy kéo dài suốt cả tháng, với chị Lan, quãng thời gian này còn dài hơn cả thế kỷ.

Người vợ cơ trưởng trực thăng nhớ lại: "Ban ngày tôi dò hỏi tin tức chồng khắp nơi, đêm về thổn thức gọi tên anh. Ăn uống lay lắt, qua loa, có lúc tôi quên cả việc mình đang mang đứa con trong bụng… Đến sáng 22/12/1992, tin chồng đã hy sinh khiến tôi gục ngã". Tính đến ngày anh ra đi mãi, hai vợ chồng chỉ ở bên nhau được 2 năm 2 tháng 22 ngày, hạnh phúc sao mà quá ngắn ngủi với một đời người. 

Do đau buồn, chị Lan sinh con đầu lòng nhẹ ký hơn bình thường, bé thường xuyên đau ốm hầu như tuần nào cũng đi khám bác sĩ. Có những lúc giữa đêm khuya, hai mẹ con tất tả vào bệnh viện trĩu nặng âu lo, cô đơn, chị tủi thân chỉ biết ôm con vào lòng… Chồng mất, suốt hai năm đầu, đêm nào Lan cũng ướt đẫm gối, nhiều lúc nghĩ chẳng lẽ cuộc đời mình cứ chìm trong buồn tủi mãi sao. Nghĩ là làm, người vợ trẻ đơn thân nỗ lực nuôi con vừa đi làm, đi học đại học.

"Nhiều lúc nghĩ mình không thể vượt qua nữa rồi nhưng chính lúc ấy hình ảnh chồng hiện về khích lệ động viên trở thành điểm tựa cho tôi nghị lực nuôi con, vững tin bước tiếp trên cuộc đời", chị Lan thổ lộ. Bảo Anh, con gái chị Lan lớn lên càng ít ốm đau, ngoan ngoãn, có ý chí tự lập, năm nào cũng đạt thành tích học tập xuất sắc. Thay mặt cha, người mẹ trẻ luôn nhắc nhở con gái phải tự mình vươn lên, phải tự đứng trên chính đôi chân của mình.

Chị Lan còn nhớ như in lúc Bảo Anh vừa tròn 3 tuổi, trong một lần đến trường mầm non đón con về, các cô giáo ngần ngừ rồi buột miệng: “Chồng chị mất rồi chị lấy người chồng sau cũng tên Vinh à?”. Sửng sốt trước câu hỏi này, chị Lan tìm hiểu sự tình thì các cô giáo cho hay, ở lớp học Bảo Anh thường nói tối ngủ với ba Vinh, rồi cuối tuần được ba Vinh chở đi công viên chơi. Các cô giáo ngạc nhiên, lên phòng giáo vụ kiểm tra hồ sơ thì thấy ghi ba là liệt sĩ.

Nghe các cô kể chuyện, chị Lan chỉ biết khóc. Thì ra, Bảo Anh hay sang nhà hàng xóm thấy cha con người hàng xóm chơi với nhau thì tưởng tượng mình cũng được ba yêu thương như vậy. Cô bé Bảo Anh đến nay đã là sinh viên năm cuối của Đại học Ngoại Thương, chị Lan xem như trái ngọt cuộc đời đắp bù những ngày tháng đau thương đã qua. "Tai nạn Ô Kha đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Trong đau thương mất mát tôi đã cảm nhận chân giá trị cuộc sống quý giá đến dường nào", chị Lan chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ với chị Lan, chị Hồ Thị Thu Thủy cũng lần đầu trở lại nơi có nhiều sự kiện định mệnh. Chị Thủy nhớ lại, thời điểm chồng gặp nạn, gia đình cố giấu tin vì sợ chị mới sinh con gái đầu lòng không thể chịu đựng nổi. 30 tuổi, nỗi đau ấy quá lớn khiến người mẹ trẻ choáng váng không còn thiết tha gì nữa. Trụ cột gia đình mất đi, chị Thủy cùng con thơ chới với.

Kỷ niệm tình yêu với người chồng quá cố, chị quyết định đặt tên con gái là Lưu Hồ Thu Trang (Nha Trang mùa thu). Nỗi đau dần nguôi ngoai, chị Thủy lao vào công việc, bươn chải nuôi con ăn học. 10 năm sau khi chồng mất, chị quyết định đến với người đàn ông tốt bụng để bước tiếp trong cuộc đời.

Cô bé Thu Trang lớn lên càng học giỏi, có học bổng du học. Hiện tại, Trang đã tốt nghiệp đại học ngành thời trang ở Mỹ, trở về nước vừa lập gia đình. "Nghĩ về con gái thành đạt, hạnh phúc, tôi cảm thấy cuộc đời mình còn may mắn hơn nhiều người khác. Một ngày gần đây, tôi sẽ đưa con gái trở lại thung lũng Ô Kha để tưởng niệm cha", chị Thủy tâm sự.

Đã đi bước nữa nhưng chị Thủy vẫn luôn nhớ về gia đình bên nội của con gái và được người chồng sau thông cảm chia sẻ. "Chính sự chân thành, lòng bao dung của anh ấy đã lay động lòng tôi. Hàng tuần anh ấy chở hai mẹ con đi viếng mộ anh Lương, mùa hè năm nào chúng tôi cũng đều về Phú Thọ thăm ông bà nội cháu Trang", chị Thủy nói. 

Nói về ý nghĩa chuyến trở lại vùng đất định mệnh này, bà Annette Herfkens bày tỏ: Nếu như năm 2006, lần đầu trở lại VN là để tưởng niệm những người đã chết, thì lần trở về này là để vinh danh những người còn sống và sự sống.

"Tôi muốn có một cái kết mới, một thế hệ mới. Tôi vẫn mong sẽ có một lễ tưởng niệm dành cho các nạn nhân trên chuyến bay của tôi lẫn chuyến bay cứu hộ. Cám ơn các bạn Việt Nam. Cám ơn tất cả mọi người vì đã cứu mạng sống của tôi ngày ấy", bà Annette cảm kích. 

Trí Tín



Powered By WizardRSS.com | Full Text RSS Feed | Amazon Wordpress | rfid blocking wallet sleeves
Cập nhật tin tức đời sống!

Tags: Vui Cười của công vỡ Ngày đơn Rối tháng Mây

Tin đọc nhiều nhất