Mỹ, Nhật diễn tập quy mô lớn

Mỹ và Nhật triển khai hơn 3.000 binh sĩ ở hàng loạt thao trường tại Nhật Bản trong cuộc diễn tập chung lớn nhất suốt nhiều năm qua.

Cuộc diễn tập mang tên Resolute Dragon có sự tham gia của 2.650 quân nhân thuộc Lực lượng Viễn chinh Thủy quân lục chiến số III của Mỹ và 1.400 lính Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, được tổ chức ở nhiều thao trường trên khắp lãnh thổ Nhật và kéo dài đến ngày 17/12.

Các quân nhân sẽ thực hành nội dung chỉ huy, kiểm soát chiến trường và hiệp đồng tác chiến tầm xa. Lính thủy đánh bộ Mỹ cũng phối hợp với hải quân Mỹ, máy bay và hệ thống tên lửa diệt hạm Type 88 của Nhật Bản để tổ chức nội dung tấn công tàu chiến ngoài khơi ngày 13-16/12.

Mỹ, Nhật diễn tập quy mô lớn

Trực thăng lai MV-22B Mỹ tiếp dầu tại thao trường ở tỉnh Miyagi, Nhật Bản, hôm 8/12. Ảnh: USMC.

"Chúng tôi sẽ tác chiến trên mọi mặt trận với đồng minh Nhật Bản và đối tác, nhằm tối đa hóa năng lực răn đe và đánh bại mọi mối đe dọa tiềm tàng", chỉ huy Sư đoàn thủy quân lục chiến số 3 của Mỹ Jay Bargeron cho hay.

Giới chức Mỹ cho biết cuộc diễn tập huy động nhiều khí tài như trực thăng lai MV-22B Osprey, trực thăng hạng nặng CH-53E, trực thăng tấn công AH-1Z và UH-1Y, tiêm kích đa năng F/A-18E và máy bay tiếp dầu KC-130J.

Thủy quân lục chiến Mỹ hôm 7/12 đã huy động máy bay KC-130J để vận chuyển hệ thống pháo phản lực tầm xa HIMARS, gồm đài chỉ huy hỏa lực, ba xe phóng đạn và 15 binh sĩ vận hành, từ đảo miền nam Okinawa đến căn cứ Hachinohe ở đông bắc Nhật Bản. Hoạt động này giúp binh sĩ Mỹ hoàn thiện kỹ năng tiến công và cơ động với hệ thống HIMARS.

Đợt diễn tập được tổ chức trong bối cảnh Nhật Bản nỗ lực ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và tích cực lên tiếng về các vấn đề như đảo Đài Loan, Hong Kong. Nhật cũng nhiều lần phản đối Trung Quốc về những gì họ coi là xâm phạm lãnh hải, đặc biệt sau khi Bắc Kinh ban hành luật giao thông hàng hải mới, yêu cầu tàu thuyền nước ngoài khai báo khi đi qua vùng biển mà Trung Quốc coi là "lãnh hải".

Hai nước từ lâu có tranh chấp xoay quanh nhóm đảo nhỏ không người ở trên biển Hoa Đông mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Chính phủ Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuần trước đề xuất chi thêm 6,75 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, mức bổ sung cao nhất từng được công bố. Ngoài mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên, áp lực ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc lên Đài Loan cũng là lý do khiến Nhật Bản tăng cường chi tiêu quốc phòng.

Khoản chi này dự kiến được dùng để nâng cấp các khẩu đội tên lửa phòng không ở những đảo tiền tiêu ở biển Hoa Đông và hàng loạt tổ hợp tên lửa Patriot PAC-3. Ngân sách bổ sung cũng giúp Tokyo nhanh chóng đặt mua thêm tên lửa chống ngầm, máy bay tuần thám biển và vận tải cơ.

Nếu thu hồi được đảo Đài Loan, quân đội Trung Quốc có thể triển khai lực lượng cách lãnh thổ Nhật Bản chỉ 100 km và uy hiếp nhiều tuyến hàng hải trọng yếu với nước này, đồng thời đủ sức điều chuyển lực lượng ở khắp Tây Thái Bình Dương mà không bị cản trở.