Lính dù Mỹ chống IS: Xung đột với đặc nhiệm (Kỳ 3)
Phiến quân IS được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng
Trước khi IS hoành hành ở Trung Đông, Lục quân Mỹ đã nhận ra rằng họ phải chuẩn bị sẵn sàng cho một kẻ thù biết cách áp dụng các chiến thuật du kích, giống như những gì họ từng thấy ở Iraq và Afghanistan. Lục quân Mỹ cũng hiểu rõ rằng kẻ thù của họ có thể sử dụng thuần thục mạng xã hội và các hành động khủng bố để gieo rắc nỗi sợ hãi trong dân chúng.
Đây chính xác là những gì mà IS đang làm, khi chúng huy động lực lượng lớn phát động các đợt tấn công ồ ạt và cả tấn công du kích với một hệ thống tình báo, chỉ huy phức tạp, được trang bị cả tên lửa phòng không, thiết bị gây nhiễu điện tử và cả pháo tầm xa.
Từ năm 2012, đặc biệt là từ khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy mạnh mẽ ở Trung Đông, quân đội Mỹ đã bắt đầu xây dựng những tình huống và yêu cầu cho cuộc diễn tập để chuẩn bị sẵn sàng cho lực lượng lính dù của họ khi đổ bộ xuống chiến trường đối đầu với IS.
Một thực tế mà các chỉ huy Lữ đoàn 2 Sư đoàn dù 82 của Mỹ, đơn vị phản ứng nhanh toàn cầu của quân đội nước này phải đối mặt là phân nửa lính dù trong đơn vị chưa từng tham chiến mà chỉ mới chỉ trải qua các khóa huấn luyện ở thao trường. Ngay cả những người từng được triển khai đến Iraq hay Afghanistan cũng chỉ ở trong các căn cứ tiện nghi mà chưa từng trải qua thực chiến.
Thế nên cuộc diễn tập chống IS lần này của Lữ đoàn 2 phải thật dữ dội và khắc nghiệt hết mức có thể. Từ chỉ huy cao nhất cho đến binh lính, tất cả lữ đoàn 2 phải giống như đang ở trên chiến trường thực tế ngay từ giây phút họ nhảy dù xuống đất.
Lính Mỹ trải qua huấn luyện gắt gao sẵn sàng tiêu diệt IS
Trong suốt 12 ngày tham gia huấn luyện chiến đấu như thật, mỗi ngày họ đều không được ngủ quá 4 tiếng đồng hồ, nhưng giấc ngủ ngắn ngủi này cũng liên tục bị cắt vụn và gián đoạn. Tất cả đều nhằm mục đích tái hiện một chiến trường “thực” nhất có thể, nơi kẻ thù mà họ đối mặt chính là IS, những chiến binh khét tiếng với độ tàn bạo.
Tiểu đoàn của trung tá Brad Boyd đang tranh thủ chợp mắt sau một đêm giao tranh dữ dội với lực lượng quân đội địa phương vốn được coi là đồng minh nhưng lại quay súng chống lại lính dù Mỹ. Một tổ tuần tra của ông cũng đã bị đối phương tấn công bằng khí độc trên chiến trường.
Trung tá Boyd nói: “Chúng tôi phải chiến đấu khắp mọi hướng. Tuy nhiên điều đó là cần thiết để giữ cho đầu óc tỉnh táo trong môi trường khắc nghiệt này”.
Ngoài sự phức tạp của các tình huống trên chiến trường, cuộc diễn tập lần này còn nhằm huấn luyện cho những người lính dù “thông thường” của Sư đoàn dù 82 phối hợp chặt chẽ với lực lượng đặc nhiệm, tuy điều này rất ít khi xảy ra trong thực tế.
Trong các tình huống xung đột, lực lượng đặc nhiệm như Mũ nồi Xanh hay Delta thường hoạt động riêng lẻ sâu trong lãnh thổ địch với sự giúp đỡ của các chiến binh bản xứ, trong khi lực lượng biệt kích lại chuyên thực hiện các nhiệm vụ tìm và diệt chóng vánh.
Lính đặc nhiệm Delta Force của lục quân Mỹ
Bởi thế, các lực lượng đặc nhiệm này thường ít khi phối hợp với các đội quân thông thường như lính dù trên chiến trường. Thực tế cho thấy trên các chiến trường như Afghanistan hay Iraq, lực lượng đặc nhiệm thường có căn cứ riêng được canh gác chặt chẽ và hầu như không cho người ngoài vào bên trong.
Ngoài ra, giữa lính dù với lính đặc nhiệm cũng có những xung đột về văn hóa. Vì yêu cầu nhiệm vụ, lính đặc nhiệm có thể để tóc dài, chế giễu những bộ quân phục tiêu chuẩn và có thể gọi nhau bằng các biệt danh suồng sã, những điều mà lính dù bị cấm tiệt. Lính dù coi lính đặc nhiệm như những “cô nàng sang chảnh”, trong khi lính đặc nhiệm thì hầu như không muốn “dây dưa” với lính dù.
Trung tá John Dyke, cựu chỉ huy tiểu đoàn Mũ nồi Xanh tại trung tâm huấn luyện thừa nhận: “Trong quá khứ, lính dù và lính đặc nhiệm thường không phối hợp tốt với nhau”.
Lữ đoàn 2 lính dù đã giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng với lực lượng đặc nhiệm trên chiến trường như thế nào để đạt kết quả tốt nhất trong cuộc huấn luyện chiến đấu chống IS, mời các bạn theo dõi kỳ 4 vào 19h ngày 12/11.