Hai chiến hạm Anh sẽ trực chiến ở châu Á

Anh sẽ triển khai hai tàu chiến thường trực ở các vùng biển châu Á sau khi tàu sân bay Queen Elizabeth hoàn tất hải trình đầu tiên.

"Sau đợt triển khai đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth, Anh sẽ chỉ định hai chiến hạm hiện diện thường xuyên tại khu vực từ cuối năm 2021", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết trong thông cáo chung với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi ngày 20/7.

Tuyên bố của Bộ trưởng Wallace được đưa ra trong bối cảnh Anh tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản. Quốc gia Đông Á gần đây bày tỏ quan ngại ngày càng tăng trước tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực và tình hình tại eo biển Đài Loan.

Khi được hỏi các chiến hạm của hải quân Anh sẽ hoạt động từ cảng nào ở châu Á, phát ngôn viên đại sứ quán Anh tại Nhật Bản cho hay hai tàu chiến nước này sẽ không đồn trú tại căn cứ thường trực nào trong khu vực.

Hai chiến hạm Anh sẽ trực chiến ở châu Á

Chiến hạm Anh và Mỹ diễn tập trên khu vực vịnh Aden ngày 12/7. Ảnh: US Navy.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh cùng các chiến hạm hộ tống dự kiến tới Nhật Bản vào tháng 9, trên hành trình thực hiện chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới. Nhóm chiến hạm dự kiến đi qua khu vực Biển Đông để đến Nhật Bản, cũng như ghé thăm Ấn Độ, Singapore và Hàn Quốc trên hải trình của mình.

Sau khi tới Nhật Bản, Queen Elizabeth và các chiến hạm hộ tống sẽ tách ra để cập các căn cứ hải quân khác nhau của Mỹ và Nhật Bản. Tàu Queen Elizabeth dự kiến cập cảng Yokosuka, trụ sở Bộ Chỉ huy Lực lượng Hải quân tại Nhật Bản của Mỹ và nơi đồn trú của tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Nhật Bản là đồng minh thân cận của Mỹ và là nơi nước này triển khai lực lượng quân sự lớn nhất, bao gồm nhiều chiến hạm, máy bay quân sự và hàng nghìn lính thủy đánh bộ.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Nishi, Bộ trưởng Quốc phòng Wallace cho biết Anh sẽ triển khai một Nhóm Ứng phó Ven biển, đơn vị lính thủy đánh bộ được huấn luyện thực hiện các nhiệm vụ sơ tán và chống khủng bố, tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Động thái này được nhận định là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện ngày càng tăng của Anh trong khu vực.