Đầu độc giống nòi vì khói thuốc lá

TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Chánh văn
phòng Chương trình PCTH thuốc lá cho biết, tổng kết báo cáo của 1200 bệnh viện cho thấy các bệnh không lây nhiễm chiếm 67-73% số người bệnh đang nằm viện điều trị, gây quá tải cho hệ thống y tế. Trong đó chủ yếu là do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây nên: tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ; 97,8% các bệnh ung thư phổi là liên quan đến thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Trong khi Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới.  trung bình cứ 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có 1 người hút thuốc. Phần lớn người hút thuốc bắt đầu hút khi còn rất trẻ. 56% người hút thuốc ở bắt đầu hút trước tuổi 20.

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế Thế giới, tăng tuổi thọ ở Việt Nam là kết qua nhiều biện pháp áp dụng trong những năm qua như: dinh dưỡng, vệ sinh, tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em... Thực tế thuốc lá đang kéo ngược lại chỉ số này nhưng lực kéo chưa đủ mạnh.

“Trong năm 1990, lượng thuốc lá người Việt sử dụng rất ít hơn 1 tỷ bao, ảnh hưởng của nó sẽ đến trong 20-25 năm. Vì thế, hiện nay những ảnh hưởng của thuốc lá mà chúng ta thấy được ít do lượng tiêu thụ ít. Còn với 5 tỷ bao tiêu thụ vào năm 2013 thì đợi 20-30 năm nữa hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, cùng với già hóa dân số, các bệnh ung thư, chuyển hóa, tim mạch sẽ rất nặng nề, tốn kém”, ông Lâm khuyến cáo.

Để giảm những nguy hại do khói thuốc mang lại, tăng thuế là một giải pháp hiệu quả. Tại Việt Nam hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN, chỉ cao hơn mức thuế của Campuchia, rất thấp so với các nước phát triển (Pháp 80%, Đức 73%).

Hiện có 3 phương án đề xuất tăng thuế thuốc lá, phương án một đề xuất tăng thuế thuốc lá vào hai thời điểm 2016 và 2019 - mỗi lần tăng 5%, lên tối đa 70%; Phương án hai: Tăng từ 65 lên 105% vào năm 2015, sau 3 năm tăng tiếp lên 145%; Phương án ba: Thời điểm tăng như phương án hai nhưng mức tăng nhẹ hơn - tăng 40% cho cả 2 lần lên tối đa 105%.

“Nếu mức tăng thuế thuốc lá là phương án 1 hầu như không có tác động tới việc giảm tiêu dùng, giảm tỷ lệ hút thuốc lá. Còn nếu theo phương án 2 là lý tưởng, theo tính toán nếu thuế thuốc lá tăng từ 65 lên 105% tỷ lệ hút thuốc của nam giới sẽ giảm từ 47,4% năm 2014 xuống 39% vào năm 2020. Số người hút thuốc sẽ giảm từ hơn 15 triệu còn 13 triệu và sẽ ngăn ngừa được gần 730.000 ca tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Phương án ba chỉ có tác dụng giữ cho sức mua thuốc lá không tăng”, ông Khuê phân tích 

Tăng thuế thuốc lá: Lợi đủ đường!

Bác sĩ Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada phân tích, tăng thuế thuốc lá đủ mạnh không chỉ đạt mục tiêu giảm số người hút thuốc, giảm sự tác động xấu của thuốc lá với sức khỏe, nó còn mang lại nhiều lợi ích kép cho xã hội, cho ngân sách nhà nước.

Tăng thuế góp phần cải thiện sức khỏe dân cư và năng suất lao động:

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong trên thế giới. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 căn bệnh trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như, đặc biệt là ung thư. Tại Việt Nam có khoảng hơn 40.000 người chết mỗi năm và hơn 10% dân số của nước ta có nguy cơ tử vong sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Tăng thuế thuốc lá đủ mạnh sẽ góp phần giúp giảm tỉ lệ hút thuốc lá, giảm người hút mới, do đó làm giảm mức độ bệnh tật và tỷ lệ tử vong liên quan đến thuốc lá. Kết quả nghiên cứu cho thấy ¼ đến ½ số người bỏ thuốc tránh được việc chết sớm liên quan đến thuốc lá. Vì thế tăng thuế còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước và do đó cải thiện năng suất lao động.

Tăng thuế làm giảm chi phí về kinh tế đối với xã hội:

Theo ước tính Việt Nam phải chi hơn 22 nghìn tỷ đồng cho việc mua thuốc lá hút trong năm 2012 và hơn 23 nghìn tỷ đồng (tương đương 0,9% GDP) để điều trị 5 loại bệnh do hút thuốc lá gây ra. Như vậy, tổng số tiền chi cho mua và điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá ở nước ta chiếm gần 2% GDP của nền kinh tế mỗi năm. Con số này còn chưa tính đến những thiệt hại về kinh tế do người hút thuốc giảm/mất khả năng lao động, thiệt hại do cháy nổ xảy ra khi hút thuốc và ô nhiễm môi trường…

Giảm tiêu dùng thuốc lá sẽ làm giảm chi phí mua thuốc lá hút, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh mỗi năm và các thiệt hại kinh tế khác. Khoản chi phí tiết kiệm được này có thể được coi là một lợi ích nữa khi tăng thuế.

Tăng thuế có thể làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước:

Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 lần tăng thuế và tăng mức sàn thuế đơn vị vào 2005, 2010 và 2011, quốc gia này đã giảm mức tiêu thụ thuốc lá từ 106,7 tỷ điếu năm 2005 xuống còn 90,8 tỷ điếu vào năm 2011. Tăng giá thuốc lá năm 2010 làm giảm số người hút thuốc tới 590.000 người và cứu sống 340.000 người

Với Việt Nam, chúng ta cũng đã điều chỉnh thuế về một mức năm 2006 và tăng thuế năm 2008, thực tế đã chứng minh tiêu dùng thuốc lá giảm vào năm 2008 (3.897 triệu bao năm 2007 xuống còn 3,571 triệu bao năm 2008, trong khi doanh thu thuế thu được từ 2008 cao hơn so với 2007 là hơn 1.000 tỷ đồng.

Với những lợi ích của tăng thuế thuốc lá và những kinh nghiệm thực tế về cải cách thuế thuốc lá đã được chứng minh ở Thái lan, Thổ Nhĩ Kỳ, và cả thực tế Việt Nam ở lần điều chỉnh và tăng thuế 2006 và 2008 các chuyên gia nhấn mạnh thuế thuốc lá cần tăng ở mức cao hơn và thường xuyên hơn, ít nhất là làm thế nào để sức mua không tăng (85% năm 2015 và 105% năm 2018), qua đó góp phần làm giảm được gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra đồng thời tăng thu ngân sách nhà nước.

Hồng Hải

 

Xem thêm :tim mạch, thuốc lá, kinh tế, thổ nhĩ kỳ, bệnh ung thư, ung thư phổi, thuế, sử dụng, tăng, Tổ chức Y tế Thế giới,


Powered By WizardRSS.com | Rfid Sleeves | Full Text RSS Feed
Cùng bạn chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình!

Tags: Tám Cùng Chị Em dâu giống nói khói thuốc độc

Tin đọc nhiều nhất