Công việc của người thợ lặn kéo cáp ngầm xuyên biển
Urip chia sẻ, nghề lặn kiểm tra cáp ngầm ngại nhất là lòng biển quá sâu; như ở vùng biển Lý Sơn này, có nơi sâu đến 100 m nên áp suất nước rất lớn. "Nhiều khi đang lặn kiểm tra cáp thì bị các luồng hải lưu chảy mạnh cuốn trôi ra xa. Những lúc ấy nếu không bình tĩnh xử lý tình huống thì tính mạng sẽ nguy hiểm", Urip tâm sự.
Ông Ronald Doloksaribu, chuyên gia Liên danh Prysmian (Italy) cho hay, trong nghề kéo cáp xuyên biển, vất vả nhất là những thợ lặn kiểm tra hệ thống thiết bị thổi cát và robot xẻ rãnh dưới đáy biển. Mỗi khi cáp vướng vật gì hoặc không chạy đúng vị trí rãnh dưới đáy biển thì người nhái phải lặn xuống kiểm tra để điều chỉnh kịp thời. Các thợ lặn thường lắp ráp một số thiết bị hoặc điều chỉnh neo để cáp ngầm chạy dưới đáy biển không bị chướng ngại vật ngăn.
"Họ phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc an toàn, nếu không dễ nguy hiểm đến tính mạng", ông Ronald Doloksaribu nói.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty xây dựng điện Thái Dương, người nhái giữ vai trò đặc biệt quan trọng kiểm soát chất lượng trong suốt quá trình kéo cáp ngầm xuyên biển. Thợ lặn thường xuyên làm việc dưới đáy biển sâu khoảng 15 đến hơn 60 m, cơ thể phải chịu đựng áp suất nước rất lớn. Đó là chưa kể cơ thể bị tác động của sóng, gió, luồng hải lưu chảy xiết, xoáy mạnh không ngừng.
Từng tham gia thi công kéo cáp ngầm từ đất liền ra đảo Cô Tô, ông Tuấn còn nhớ như in những ngày tháng đầu chưa quen với nghề, đã đối mặt với những trận bão biển. Những cột sóng dữ khiến sà lan chao đảo liên hồi, các kỹ sư, công nhân trẻ say nhừ phải ăn cháo thay cơm.
Ông Tuấn chia sẻ: "Lúc ấy thấy nghề lặn kéo cáp ngầm vất vả, hiểm nguy quá, nghĩ mình khó thể bám trụ với nghề nhưng giờ tôi đã chai sạn sóng gió công trường, có thể lặn sâu hơn 30 m dưới đáy biển ".
Cuối năm 2013, khi dự án kéo cáp ngầm ra đảo Phú Quốc gần về đích thì hệ thống thiết bị phát hiện một đoạn cáp bị lỗi. Hàng chục thợ lặn giỏi của Việt Nam, Indonesia, Philippines ngâm mình dưới đáy biển làm việc cật lực suốt ngày đêm để trục vớt cáp ngầm đưa lên bờ khắc phục. Sau nửa tháng, đoạn cáp bị lỗi mới được cắt, đấu nối thành công đưa nguồn điện quốc gia ra đảo Phú Quốc.
Nhằm đảm bảo an toàn cho đội ngũ thợ lặn tham gia các dự án kéo cáp ngầm xuyên biển, Liên danh nhà thầu Pisman (Italy) và Công ty xây dựng điện Thái Dương đang lập phương án đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, lắp đặt buồng giảm áp dưới biển.
Video: Những người thợ kéo cáp ngầm xuyên biển
Trí Tín